Đằng sau căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

05:30' - 29/06/2018
BNEWS Về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc thời gian gần đây, một số học giả cho rằng nguyên nhân căn bản là do xu hướng chính trị hóa các khác biệt về kinh tế nổi lên trong nước Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Trung trước nguy cơ chiến tranh thương mại. Ảnh: AFP/TTXVN 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/6 đã thông báo áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng trị giá lên tới 50 tỷ USD của Trung Quốc, với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ thông báo mức thuế mới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ được thực hiện theo hai đợt, trong đó đợt đầu tiên có hiệu lực từ ngày 6/7. Phía Trung Quốc công bố quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 659 mặt hàng với tổng trị giá 50 tỷ USD của Mỹ.

Trước đó, khi dự “Diễn đàn Toàn cầu Wharton” lần thứ 52 tại New York, Hiệu trưởng trường Thương mại Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, ông Geoffrey Garrett nhận xét rằng một số tư tưởng chính trị lỗi thời (ở Mỹ) đang tác động đến việc xây dựng chính sách kinh tế, ví dụ như xuất khẩu có nghĩa là đã thắng, nhập khẩu có nghĩa là đã thua. 

Một khi xuất hiện thương mại không cân bằng thì nhất định tồn tại hiện tượng không công bằng. Khi có người chính trị hóa các khác biệt về kinh tế, mọi người thường thiên về quan tâm sự cọ xát và thắng thua, chứ không phải là cùng thắng.

Ông Garrett chỉ rõ, là hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc quả thực tồn tại nhiều sự khác nhau, nhưng nhìn từ góc độ thương mại và kinh tế, sự khác biệt có nghĩa là bổ trợ cho nhau, có nghĩa là có thể phát huy lợi thế của mỗi bên, biến sự khác biệt trở thành cơ sở hợp tác cùng có lợi.

Ông Mauro Guillen, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Lauder, trường Thương mại Wharton, thì gay gắt hơn khi cho rằng Chính phủ Mỹ đang dùng cơ hội cuối cùng để đánh quân bài bảo hộ thương mại. Trong vòng 5-10 năm tới, khi vị thế thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới của Mỹ được thay thế bởi Trung Quốc, các nước trên thế giới sẽ không còn bị hạn chế bởi những quyết sách mang tính bảo hộ của Mỹ.

Theo ông Mauro Guillen, đây là lần cuối cùng Mỹ coi việc bảo vệ thị trường nội địa Mỹ như một quân bài thương lượng trong các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu. 

Trung Quốc đang trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, điều này sẽ mang lại sự thay đổi to lớn cho nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế thế giới bao gồm cả Mỹ. Trong tương lai các nước trên thế giới sẽ tập trung nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, bởi nền kinh tế toàn cầu là nền kinh tế tiêu dùng.

Khi đề cập đến lý do thực sự của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang có nguy cơ bùng nổ hiện nay, David Dodwell - học giả chuyên viết về những thách thức toàn cầu và khu vực – nhận định rằng cuộc chiến này thực ra chẳng liên quan đến vấn đề thuế quan, nhôm thép hoặc thậm chí ô tô.

Toan tính của chính quyền Tổng thống Donald Trump là lợi dụng các biện pháp thuế quan để khiến Trung Quốc yếu thế khi đối mặt với thách thức thực sự - tức là “chọc thủng” những rào cản mà thị trường nội địa Trung Quốc dựng lên đối với các công ty nước ngoài, đồng thời làm chậm bước tiến của Bắc Kinh trên con đường chiếm lĩnh công nghệ vốn đe dọa trực tiếp những “ông lớn” công nghệ của phương Tây. 

Như vậy, mục tiêu thực sự trong cuộc chiến thương mại của ông Trump là nhắm vào chương trình “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.

Ông David Dodwell đưa ra nhận định trên khi dựa vào những phám phá của ông Lorand Laskai, trợ lý nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở ở New York. Theo ông Laskai, chính sách “Sản xuất ở Trung Quốc” đã “chọc giận chính phủ các nước trên thế giới” và đang lớn mạnh để trở thành một mối đe dọa hiện hữu đối với vị thế lãnh đạo công nghệ của Mỹ.

Theo nhận định của ông Laskai, Trung Quốc rõ ràng đang xử lý những yếu kém mang tính cấu trúc về mặt kinh tế, cố gắng tiến tới tham gia chuỗi giá trị sản xuất (toàn cầu) bằng việc đem lại nhiều công ăn việc làm có giá trị cao cho nước này, và cố gắng tăng cường sức mạnh trong những lĩnh vực công nghệ cao và quan trọng vốn thuộc lĩnh vực độc quyền của các công ty công nghệ Mỹ và châu Âu.

Cần lưu ý rằng, chương trình “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” tập trung vào 10 lĩnh vực quan trọng về mặt công nghệ và chiến lược, trong đó có công nghệ robot, công nghệ không gian vũ trụ, nguyên vật liệu mới, công nghệ sinh trắc học và thiết bị y tế thủ thuật cao.

Theo đánh giá của cơ quan nghiên cứu về Trung Quốc của Đức, Mercator Institute for China Studies, chương trình của Trung Quốc là một thách thức mạnh mẽ đối với các nền kinh tế đứng đầu hiện nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục