Đằng sau kế hoạch kinh tế 3.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden

06:30' - 05/04/2021
BNEWS Kế hoạch kích thích kinh tế mới 3.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden chính là ví dụ điển hình của sự tương tác đối nội và đối ngoại.

Theo báo Liên hợp buổi sáng, trong thời đại toàn cầu hóa, rất khó để phân tách rạch ròi đối nội và đối ngoại, chính sách đối nội luôn có hiệu quả đối ngoại, ngược lại chính sách đối ngoại lại luôn phục vụ chính sách đối nội, tuyên truyền trong nước và củng cố nội bộ, tương tác lẫn nhau như hai mặt của một vấn đề. 

Theo thông lệ chính trị Mỹ, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên của tân tổng thống thường nhận kết quả thua. Hiện nay, ưu thế của đảng Dân chủ ở Quốc hội rất nhỏ, số ghế ở Thượng viện ngang nhau, chỉ dựa vào lá phiếu quyết định thắng lợi của Phó Tổng thống. 

Mặc dù chiếm đa số ở Hạ viện nhưng đảng Dân chủ cũng nhiều hơn chưa đến 10 ghế, đặc biệt trong bối cảnh cựu Tổng thống Donald Trump đang cay cú và tập trung chuẩn bị trở lại, Tổng thống Joe Biden được ví như đi trên băng mỏng, nên cần phải duy trì mức độ ủng hộ.

Mặc dù gói kích thích 1.900 tỷ USD đã được thông qua, nhưng chỉ dùng để cứu trợ khẩn cấp, trong khi điều mà ông Biden cần là một kế hoạch lớn có thể chuyển đổi nền kinh tế Mỹ, thực hiện lời hứa tranh cử, củng cố nền tảng ủng hộ của cử tri. Đây chính là kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng có tổng giá trị lên đến 3.000 tỷ USD sắp trình Quốc hội xem xét.

Kế hoạch này chủ yếu dựa vào cương lĩnh chính trị “Xây dựng lại tốt hơn” của ông Biden nêu ra trong thời gian tranh cử, trong đó được chia thành hai phần. Một là xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm việc xây dựng lại và sửa chữa đường sắt, đường bộ, sân bay và bến cảng. Hai là phúc lợi xã hội trong nước, chẳng hạn như nhà trẻ miễn phí, đại học cộng đồng miễn phí…

Sau khi trình Quốc hội, chắc chắn kế hoạch sẽ "chọc giận" đảng Cộng hòa. Theo đó, đảng Cộng hòa không phản đối cấp ngân sách cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng phản đối sự “đổi trắng thay đen” của kế hoạch, đảng Cộng hòa đã dùng điển tích “Con ngựa thành Troia” để hình dung kế hoạch này, chỉ trích Chính quyền của ông Biden đưa đầu tư năng lượng sạch để chống biến đổi khí hậu vào kế hoạch. 

Ước tính sơ bộ đầu tư năng lượng sạch là 400 tỷ USD, trong đó 60 tỷ USD là vận chuyển xanh, chẳng hạn như xây dựng các trạm sạc pin trên khắp cả nước, ngoài ra còn có 50 tỷ USD phục vụ cho nghiên cứu và phát triển liên quan đến khí hậu. 

Bên cạnh đó Chính quyền của ông Biden cũng xem bồi dưỡng nhân tài, phúc lợi nhà ở, miễn phí đại học, thậm chí ngay cả trợ cấp bảo hiểm y tế là “xây dựng cơ sở hạ tầng nhân lực” theo nghĩa rộng.

Thứ hai, biện pháp để huy động nguồn lực không dựa vào phát hành nợ, mà là tăng thuế - điều đảng Cộng hòa tối kỵ, ngoại trừ việc tăng thuế đầu tư đối với người giàu, thì thuế suất doanh nghiệp cũng dự kiến tăng từ 21% lên 28%. Sau khi thông tin được tiết lộ, Phố Wall đã có phản ánh mạnh mẽ, chỉ số Dow Jones sụt giảm.

Do ông Biden rơi vào thế phải thực hiện, nên tiêu điểm của những tranh luận hiện nay là làm thế nào để thông qua kế hoạch này? Khả năng thứ nhất là tách kế hoạch, trước tiên thông qua phương án xây dựng cơ sở hạ tầng thuần túy mà đảng Cộng hòa đồng ý, sau đó sẽ xử lý các biện pháp phúc lợi khó khăn khác. Tuy nhiên, nếu xử lý riêng lẻ thì gần như chắc chắn phần phúc lợi xã hội sẽ không được thông qua.

Thứ ba là nhấn mạnh đến việc chống lại sức ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc trong kế hoạch, chẳng hạn hỗ trợ “các ngành tăng trưởng cao trong tương lai” như mạng viễn thông 5G đang đi sau Trung Quốc, Mỹ cần lắp hệ thống cáp quang băng thông rộng trên cả nước. Kế hoạch này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ của đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa trong Quốc hội.

Biện pháp trước đây của ông Trump là chỉ trích những thủ đoạn thương mại không công bằng của Trung Quốc, phong tỏa thị trường, không cho phép sản phẩm nông nghiệp của Mỹ xâm nhập, song lại không phủ nhận Mỹ không có năng lực cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp, điển hình là 5G. Tỷ lệ giữa hiệu suất và giá của Huawei không có gì để nói, và Mỹ đành đưa ra chiêu bài an ninh quốc gia, yêu cầu các nước không được sử dụng hệ thống Huawei.

Hiện nay, ông Biden nhấn mạnh cạnh tranh với Trung Quốc, điều này đòi hỏi phải xây dựng lại cơ cấu kinh tế, và đề án 3.000 tỷ USD chính là thông qua đầu tư kinh tế xanh. Việc hỗ trợ nền kinh tế, chuyển sang sử dụng năng lượng bền vững để thúc đẩy tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của Mỹ, trong đó phát triển ô tô điện chính là ví dụ rõ nét, đồng thời cũng là trọng điểm trong chính sách “Kinh tế xanh mới” của ông Biden.

Cuối tháng 2/2021, Tổng thống Biden triệu tập nghị sĩ hai đảng để thảo luận vấn đề chuỗi cung ứng cạnh tranh với Trung Quốc tại Nhà Trắng, chính là đặt nền móng cho kế hoạch này. Sau cuộc họp, ông Biden đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu hoàn thành đánh giá chuỗi cung ứng về sản xuất chất bán dẫn, pin dung lượng lớn của xe điện, nguyên liệu thô chiến lược bao gồm các nguyên tố đất hiếm, thuốc và thiết bị bảo hộ cá nhân trong vòng 100 ngày và báo cáo tổng thống. Nội dung báo cáo chính là căn cứ sử dụng để vận động cho kế hoạch này.

Tuy nhiên, Trung Quốc không đứng yên một chỗ. “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14” được Quốc hội Trung Quốc thông qua đầu tháng Ba công bố khoa học công nghệ là trọng điểm phát triển an ninh quốc gia của Trung Quốc trong giai đoạn tới, chính là đột phá những công nghệ cốt lõi đang bị Mỹ “bóp nghẹt”, chẳng hạn như chất bán dẫn giá trị cao, do đó Mỹ càng phải gấp rút đẩy mạnh hơn.

Ông Biden lợi dụng tâm lý và ý thức thù địch chống Trung Quốc của Quốc hội để tranh thủ sự ủng hộ của hai đảng, và có được ủng hộ của dư luận. Theo cuộc thăm dò mới nhất, gần 90% người Mỹ cho rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hoặc kẻ thù của Mỹ, trong bối cảnh đó ông Biden không thể nhượng bộ Bắc Kinh, mà cần phải tiếp tục cứng rắn. Do đó, mặc dù đây là vấn đề đối ngoại, nhưng đồng thời cũng là câu chuyện đối nội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục