Đằng sau sự sụp đổ của “lâu đài cát” FTX

11:00' - 15/12/2022
BNEWS “Ông trùm” một thời của ngành tiền điện tử Sam Bankman-Fried đã bị các cơ quan quản lý thị trường Mỹ truy tố loạt tội danh do thực hiện những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử nước này.

Trước đó hôm 12/12, người sáng lập 30 tuổi của nền tảng FTX đã bị bắt ở Bahamas – nơi công ty đặt trụ sở chính - theo yêu cầu của giới hữu trách Mỹ. Một thẩm phán Bahamas đã từ chối yêu cầu bảo lãnh tại ngoại của Bankman-Fried và ra lệnh tạm giam vị cựu Giám đốc điều hành (CEO) của FTX.

 

Dựa trên mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc, giới phân tích pháp lý cho rằng ông Bankman-Fried rất có thể phải đối mặt án tù chung thân. Điều này gợi lại số phận của nhà tài chính Bernie Madoff, người đã chết trong nhà tù Mỹ vào năm ngoái sau khi điều hành kế hoạch lừa đảo kiểu Ponzi lớn nhất trong lịch sử nước này.

Trong bản cáo trạng của họ, các công tố viên Mỹ cho biết Bankman-Fried cũng đã thực hiện hành vi rửa tiền, vi phạm luật tài chính chiến dịch và thực hiện hành vi lừa đảo kể từ khi thành lập công ty vào năm 2019.

* Những thay đổi bí mật

Vào giữa năm 2020, kỹ sư trưởng của FTX, ông Nishad Singh đã thực hiện một thay đổi bí mật đối với phần mềm của sàn giao dịch tiền điện tử này.

Ông Singh đã chỉnh sửa mã để Alameda Research, một quỹ phòng hộ thuộc sở hữu của người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried, không bị nền tảng giao dịch này áp tính năng tự động bán tài sản nếu quỹ mất quá nhiều tiền vay.

Trong một lưu ý giải thích về sự thay đổi, vị kỹ sư nhấn mạnh rằng FTX không nên bao giờ bán các lệnh giao dịch của Alameda. Ông viết trong phần bình luận của hệ thống mã cho nền tảng FTX rằng: “Hãy hết sức cẩn thận để không bán (tài sản của Alameda) để lấy thanh khoản”.

Việc miễn trừ cho phép Alameda tiếp tục vay tiền từ FTX bất kể giá trị của tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay đó ra sao. Theo một cáo trạng của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), ông Bankman-Fried đã chỉ đạo cấp dưới cập nhật phần mềm vào giữa năm 2020 để cho phép Alameda duy trì số dư âm trên tài khoản của mình.

Không có tài khoản khách hàng nào khác tại Alameda được phép làm như vậy. Điều này sẽ cho phép Alameda tiếp tục vay thêm tiền FTX mà không cần cung cấp thêm tài sản thế chấp.

Trong các lần chỉnh sửa phần mềm vào tháng 8/2020, Alameda được chỉ định là “Nhà tạo lập thị trường chính” hoặc “PMM”. Các nhà tạo lập thị trường là các đại lý cho phép giao dịch một tài sản bằng cách sẵn sàng mua và bán nó.

Các nguồn tin cho hay chỉ có kỹ sư Singh, CEO Bankman-Fried cùng một vài quản lý hàng đầu khác của FTX và Alameda biết về sự miễn trừ trên. Cũng theo những nguồn tin thân cận, một bảng điều khiển kỹ thuật số được nhân viên sử dụng để theo dõi tài sản và nợ của khách hàng FTX cũng được lập trình để không tính đến việc Alameda đã rút tiền từ quỹ của khách hàng.

* “Lâu đài cát” sụp đổ

Điều chỉnh trong mã nguồn đó đã thu hút sự chú ý của SEC, cơ quan đã cáo buộc ông Bankman-Fried tội lừa đảo vào thứ Ba. SEC cho biết sự điều chỉnh đó đồng nghĩa Alameda có “hạn mức tín dụng gần như không giới hạn”.

Theo SEC, việc miễn trừ thanh lý tự động được ghi vào mã FTX cho phép Alameda liên tục tăng hạn mức tín dụng cho đến khi con số đó “chạm mức hàng chục tỷ USD và thực sự trở nên vô hạn”. Hơn nữa, hàng tỷ USD mà FTX đã bí mật cho Alameda vay trong hai năm sau đó không đến từ nguồn dự trữ của chính họ, mà là tiền gửi của các khách hàng khác của FTX.

Đó là một trong hai cách mà Bankman-Fried chuyển tiền của khách hàng sang Alameda.

Cách thức còn lại là một cơ chế theo đó khách hàng FTX gửi khoản tiền hơn 8 tỷ USD vào tài khoản ngân hàng do Alameda bí mật kiểm soát. Những khoản tiền gửi này được phản ánh trong một tài khoản nội bộ trên FTX không có liên kết với Alameda, giúp che giấu trách nhiệm pháp lý của quỹ này.

SEC cáo buộc ông Bankman-Fried đã che giấu việc FTX chuyển tiền của khách hàng sang Alameda để thực hiện các khoản đầu tư mạo hiểm không được tiết lộ, mua nhiều bất động sản đắt tiền và quyên góp cho các tổ chức chính trị. Các công tố viên Mỹ và Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) cũng lần lượt đệ trình các cáo buộc hình sự và dân sự riêng biệt đối với cựu CEO của FTX.

Công tố viên Damian Williams đánh giá đây là một trong những vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ". Ông cũng để ngỏ khả năng buộc tội các cá nhân khác có liên quan trong vụ việc này.

Cáo trạng của SEC cho hay “lâu đài cát” của FXT bắt đầu sụp đổ vào tháng 5/2022. Thời điểm đó, việc giá trị của các đồng tiền điện tử giảm mạnh khiến một số người cho vay của Alameda yêu cầu quỹ hoàn trả tiền. Vì Alameda không có khả năng đáp ứng các yêu cầu này, ông Bankman-Fried đã chỉ đạo Alameda khai thác "hạn mức tín dụng" của mình tại FTX để nhận được hàng tỷ USD.

Nhưng rồi khi các khách hàng của FTX vội vã rút tiền vào tháng 11/2022 do quá hoảng sợ trước các báo cáo của giới truyền thông về tình hình tài chính của công ty, nhiều người đã phát hiện ra rằng tiền của họ không còn ở đó nữa. Công ty của Bankman-Fried đã sụp đổ vào tháng 11, sau khi người dùng đổ xô rút tiền gửi và các nhà đầu tư lảng tránh yêu cầu tài trợ thêm của ông.

FTX tuyên bố phá sản vào ngày 11/11 và ông Bankman-Fried thông báo từ chức.

Việc bắt giữ tỷ phú hồi đầu tuần này này là động thái cụ thể đầu tiên của các cơ quan quản lý nhằm buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm về vụ phá sản của sàn FTX. Trong khi Mỹ theo đuổi các cáo buộc hình sự đối với ông chủ FTX, Bahamas cũng sẽ tiếp tục các cuộc điều tra hình sự và pháp lý về sự sụp đổ của sàn tiền điện tử này, với sự hợp tác liên tục của các đối tác thực thi pháp luật và cơ quan quản lý ở Mỹ và các nơi khác./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục