Đánh giá của doanh nghiệp về xu hướng kinh doanh quý II

11:40' - 01/04/2018
BNEWS Khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo dự báo quý II/2018 khả quan hơn khi có 91% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định so với quý I/2018.
Doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh trong quý II như thế nào? Ảnh: TTXVN
Tổng cục Thống kê vừa công bố, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; theo đó, khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo dự báo quý II/2018 khả quan hơn khi có 91% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định so với quý I/2018 (58,1% doanh nghiệp dự báo tăng, 32,9% doanh nghiệp giữ ổn định), trong khi chỉ có 9% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất quý II/2018 giảm.

Theo hình thức sở hữu, quý II/2018 so với quý I/2018, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất khả quan nhất với 93,6% dự báo tăng và giữ ổn định; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 91,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt tỷ lệ thấp nhất nhưng vẫn đạt khá cao với 89,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định.

Cũng theo kết quả điều tra, các ngành dự báo khả quan về khối lượng sản xuất quý II năm 2018 tăng so với quý I năm 2018, cao nhất là ngành sản xuất thuốc lá 72,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 71,1%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 70,6%; sản xuất đồ uống 63,6%; dệt 63%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan 62,4%; sản xuất trang phục 62,3%...

Về đơn đặt hàng, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới khả quan hơn ở quý II/2018 so với quý I/2018 với 90,8% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định (53% doanh nghiệp dự báo tăng và 37,8% giữ ổn định), có 9,2% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới giảm.

Đối với đơn đặt hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý II/2018 khả quan hơn, với 90,5% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ ổn định so với quý I/2018 (trong đó có 43,6% số doanh nghiệp dự báo tăng, 46,9% dự báo giữ ổn định), chỉ có 9,5% doanh nghiệp dự báo giảm.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, về tồn kho thành phẩm trong quý II/2018 so với quý I/2018, 51,7% các doanh nghiệp dự báo giữ ổn định khối lượng thành phẩm tồn kho; 32,8% doanh nghiệp dự báo giảm và 15,5% doanh nghiệp dự báo tăng khối lượng thành phẩm tồn kho.

Theo đó, các ngành có dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm quý II/2018 giảm đáng kể so với quý I/2018 gồm: sản xuất kim loại 39,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 38,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại 38,4%; ngành dệt 36,8%; sản xuất chế biến thực phẩm và sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đều 34,9%;…

Về tồn kho nguyên vật liệu quý II/2018 so với quý I/2018, có 84,2% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho nguyên vật liệu giữ nguyên và giảm (trong đó 52,8% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên và 31,4% doanh nghiệp dự báo giảm), chỉ có 15,8% doanh nghiệp dự kiến tăng khối lượng tồn kho nguyên vật liệu.

Đối với chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm, dự báo quý II/2018 so với quý I/2018 có khả quan hơn khi tỷ lệ doanh nghiệp dự báo chi phí cho một đơn vị sản phẩm tăng thấp hơn với 20,2% doanh nghiệp dự báo tăng; 69,7% doanh nghiệp dự báo có chi phí ổn định và 10,1% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm.

Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, về sử dụng lao động, biến động lao động có xu hướng tăng cao ở quý II/2018 so với quý I/2018 với 93,1% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ ổn định (21% doanh nghiệp dự báo quy mô lao động tăng và 72,1% dự kiến ổn định), chỉ có 6,9% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục