Đánh giá tác động của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đối với Quảng Ngãi

16:39' - 16/06/2023
BNEWS Các chuyên gia, nhà khoa khọc đã có đánh giá về tác động của BSR đối với kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi riêng, khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung và định hướng phát triển của BSR.

Ngày 16/6, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá tác động của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đối với kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi.

 

Nhà máy lọc dầu Dung Quất nằm trong Khu kinh tế Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn/năm. Qua 15 năm hình thành và phát triển nhà máy đã chế biến được hơn 94 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 86 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 44 nghìn tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước hơn 207 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD).

Không chỉ góp phần quan trọng trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước, Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn có đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, chiếm 60% nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi; góp phần lan tỏa thu hút các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, cải thiện điều kiện nâng cao đời sống người dân.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa khọc, đại biểu tham dự đã trình bày các tham luận, đánh giá về tác động của BSR đối với kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi riêng, khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung và định hướng phát triển của BSR trong tương lai.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hiệp, Quyền Viện Trưởng Viện khoa học xã hội vùng Trung bộ, BSR là nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam, có đóng góp rất lớn và quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ngãi nói riêng miền Trung Việt Nam nói chung.

Nếu như từ năm 2000 tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 5 tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đến năm 2009, Nhà máy mọc dầu Dung Quất được đưa vào vận hành thử nghiệm, trực tiếp tạo ra giá trị sản xuất cho nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ngãi tăng đột biến, đạt mức 22,39% và 39,35% năm 2010, cao nhất so với các tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất còn đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Quảng Ngãi.

Quyền Viện Trưởng Viện khoa học xã hội vùng Trung bộ Nguyễn Hồng Hiệp cho rằng, các bộ, ngành, trung ương và địa phương cần nhìn nhận đầy đủ hơn vai trò then chốt của BSR đối với phát triển địa phương của vùng của đất nước.

Cùng đó, có cơ chế phù hợp thúc đẩy sớm mở rộng Nhà máy lọc hóa dầu và phát triển hệ sinh thái công nghiệp hóa dầu ở Dung Quất, coi đây là hướng đi quan trọng trong thời gian tới để hình thành trung tâm lọc hóa dầu quốc gia tại Quảng Ngãi theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cùng đó, đẩy nhanh thực hiện dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tác động đến nền kinh tế Quảng Ngãi cũng như khu vực càng nhanh hơn, phù hợp với định hướng tiêu dùng, thách thức cạnh tranh về nguồn năng lượng trong thời gian đến; quan tâm chăm lo hơn nữa đến đời sống tinh thần, trách nhiệm cộng đồng đối với người dân trong vùng dự án.

Đánh giá tác động Nhà máy lọc dầu Dung Quất đối với xã hội và môi trường Quảng Ngãi. Thạc sỹ Tống Thị Hải Hạnh Viện khoa học xã hội vùng Trung bộ nhấn mạnh, BSR đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, hình thành lối sống công nghiệp ở Quảng Ngãi nói chung và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chính quyền địa phương và BSR cần chú trọng hơn trong hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế và những đối tượng đang bị ảnh hưởng bởi quá trình phát triển công nghiệp, có cơ chế giám sát ô nhiễm môi trường, chế tác động tiêu cực của các công ty, nhà máy đến đời sống người dân.

Trưởng Ban nghiên cứu phát triển, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, định hướng phát triển của BSR ông Lê Hải Tuấn cho rằng, định hướng phát triển của BSR gắn với việc hình thành trung tâm năng lượng và lọc hóa dầu quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.

BSR xác định tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năn lượng quốc gia và nhiên liệu quốc phòng, phát huy vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ; tiếp tục đầu tư phát triển vào lĩnh vực cốt loãi lọc hóa dầu, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng và từng bước thâm nhập vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, lưu trữ carbon; đóng góp cho phát triển của PVN, Quảng Ngãi và khu vực miền Trung và cả nước.

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương, ghi nhận các ý kiến đóng góp trách nhiệm, bổ ích đối với vai trò của Nhà máy lọc dầu đối với sự phát triển của Quảng Ngãi; qua các nghiên cứu, đánh giá của các đại biểu đóng góp của Nhà máy lọc dầu đối với Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung trong thời gian qua rất lớn.

Đặc biệt, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có vai trò là cực nam châm hút nguồn lực đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, nếu không có nhà máy lọc dầu thì tỉnh không đầu tư được cảng nước sâu Dung Quất cũng như định hình phát triển ở Dung Quất; Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, Quyết định số 168/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi đến năm 2045 và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đang mở ra cơ hội mới cho Khu kinh tế Dung Quất trong thời gian tới.

Do vậy, những đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo tỉnh sẽ trân trọng và ghi nhận, đây cũng sẽ là nguồn tư liệu quý để Quảng Ngãi định hướng phát triển nhà máy lọc dầu nói riêng, Khu kinh tế Dung Quất nói chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục