Đánh giá về tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu tại Nam Cực

19:34' - 22/10/2016
BNEWS Hơn 50 nhà nghiên cứu đến từ 30 quốc gia trên thế giới sẽ tiến hành cuộc nghiên cứu toàn diện đầu tiên về mức độ ô nhiễm môi trường và tình trạng biến đổi khí hậu tại khu vực Nam Cực.

Nhóm nhà nghiên cứu quốc tế nói trên sẽ thực hiện "Chuyến thám hiểm vòng quanh Nam cực" trên tàu nghiên cứu Akademik Treshnikov của Nga với lịch trình cụ thể là rời mũi Hảo Vọng ở Nam Phi vào ngày 20/12 tới và quay trở lại đây vào ngày 18/3/2017.

Chuyến thám hiểm sẽ được chia thành 3 chặn với thành phố Hobart ở Australia và thành phố Punta Arenas ở Chile đóng vai trò như những địa điểm chuyển tiếp.

Các địa điểm dừng chân khác của đoàn thám hiểm là Quần đảo Crozet, Nam Georgia, Quần đảo Nam Sandwich và sông băng Mertz tại Nam Cực.

Theo kế hoạch, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu về một loạt lĩnh vực có mối quan hệ tương tác với nhau, từ sinh học cho tới khí hậu và đại dương học; lập bản đồ loài cá voi, chim cánh cụt và chim hải âu lớn; đánh giá tác động của việc ô nhiễm rác thải nhựa đối với chuỗi thức ăn của các loài sinh vật biển; ghi lại lượng sinh vật phù du - nền tảng cơ bản của chuỗi thức ăn, và vai trò của loài sinh vật này trong điều hòa khí hậu.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng sẽ thu thập các mẫu lõi băng và nghiên cứu tính đa dạng sinh học ở châu Nam Cực nhằm tìm hiểu các điều kiện sinh thái trước khi diễn ra cuộc Cách mạng Công nghiệp.

Đặc biệt, thông qua cuộc nghiên cứu này, các nhà khoa học hy vọng có thể hiểu sâu hơn về những tác động của loài người đối với khu vực đại dương phía Nam Bán cầu.

Ông Frederik Paulsen, nhà sáng lập Viện Địa cực Thụy Sĩ (SPI), đồng thời là người khởi xướng chuyến thám hiểm Nam Cực này, cho biết ý tưởng của nhóm là thám hiểm các quần đảo xung quanh Nam Cực và đây là một ý tưởng khoa học cực kỳ thú vị bởi những thay đổi đang diễn ra xung quanh Nam Cực ít được biết tới hơn so với Bắc Cực, và các quần đảo giống như "nhiệt kế" phản ánh những gì đang diễn ra.

Chuyến thám hiểm vòng quanh Nam Cực được coi là sứ mệnh khoa học lần đầu tiên nghiên cứu tất cả các quần đảo lớn trên khu vực đại dương, cũng như khu vực lục địa rộng lớn ở Nam Cực.

Đây cũng được xem là dự án đầu tiên của SPI nhằm mục đích tăng cường các mối quan hệ và hợp tác giữa các quốc gia, cũng như khơi dậy niềm đam mê của thế hệ mới các nhà khoa học trẻ trong việc nghiên cứu địa cực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục