Danh sách ứng viên vòng chung kết Thử thách Sáng tạo cùng Công nghệ Tài chính

17:41' - 20/03/2018
BNEWS Chương trình Thử thách Sáng tạo cùng Công nghệ Tài chính Việt Nam lần thứ nhất đã công bố danh sách ứng viên lọt vào vòng chung kết của chương trình tại Văn phòng Cơ quan Đại diện thường trú Việt Nam.

Ngày 20/3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, Chương trình Thử thách Sáng tạo cùng Công nghệ Tài chính Việt Nam lần thứ nhất (Fintech Challenge Việt Nam - FCV) đã chính thức công bố danh sách 16 ứng viên lọt vào vòng chung kết của chương trình tại Văn phòng Cơ quan Đại diện thường trú Việt Nam - Ban tổ chức chương trình FCV là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chương trình Sáng kiến Kinh doanh Mê Kông (Mekong Business Initiative MBI).

Dự án do Chính phủ Australia và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Các đơn vị tham gia phối hợp đồng tổ chức FCV là Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Câu lạc bộ công nghệ tài chính Việt Nam (Vietnam Fintech Club). Các đối tác của FCV bao gồm 7 ngân hàng thương mại là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Shinhan Bank, TP Bank, VIB, VP Bank, cùng với các công ty FPT, Vietnam Silicon Valley và VIISA.

Chương trình có mục tiêu khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các dịch vụ tài chính, thúc đẩy phổ cập tài chính tại Việt Nam, tập trung vào năm lĩnh vực ưu tiên quan trọng cho phổ cập tài chính là: thanh toán điện tử (e-payments), định danh khách hàng điện tử (e-KYC); cho vay ngang hàng (P2P Lending), Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và công nghệ Blockchain.

Đóng thời hạn ứng tuyển vào ngày 31/1/2018, chương trình đã nhận được tổng cộng 141 hồ sơ; trong đó có 45 hồ sơ đến từ Việt Nam và 97 hồ sơ đến từ 27 quốc gia thuộc 5 châu lục trên toàn thế giới.

Các hồ sơ đã được các giám khảo đến từ các đơn vị tổ chức, đồng tổ chức và các đối tác đánh giá và chấm điểm theo hệ thống.

Các đối tác hỗ trợ và đầu tư chấm điểm từng hồ sơ dựa trên các tiêu chí thương mại như Mức độ sáng tạo và tính phù hợp; Năng lực quản lý; Cơ hội mở rộng thị trường và khả năng tiếp nhận vốn đầu tư. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Hiệp hội Ngân hàng, Câu lạc bộ Fintech đánh giá các yếu tố tác động tiềm năng đối với phổ cập tài chính của từng giải pháp.

Danh sách 16 ứng viên vòng chung kết với số điểm tổng hợp cao nhất và đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của ban giám khảo gồm: ALTERNATIVE CIRCLE LIMITED Cho vay ngang hàng Kenya và Mauritius; ATI JSC Thanh toán Việt Nam; Bluechain Thanh toán Australia; CHEKK API Hong Kong SAR ;Enablecode E-KYC Việt Nam; Fin2B Cho vay ngang hàng Hàn Quốc; Finsify Hub API Việt Nam; Instant.vn Cho vay ngang hàng Việt Nam ; InstaReM PTE Limited API Singapore; Kiu Global Thanh toán Việt Nam và USA; Tradle Blockchain USA; UltraCash Technologies Thanh toán Ấn Độ; VayMuon JSC.

Cho vay ngang hàng Việt Nam; Vi Mo Technology JSC. Thanh toán Việt Nam; WECASH E-KYC/Thanh toán Trung Quốc; Weezi Digital Corp Thanh toán Việt Nam.

Các ứng viên chung kết FCV sẽ trình bày sản phẩm và mô hình kinh doanh của mình trong “Phiên trình diễn thu hút huấn luyện viên”, được tổ chức vào ngày 28/3 tới tại Trung tâm Sáng tạo CMC (CMC Innovation Center). Sau đó, các ứng viên chung kết này sẽ được kết nối với các huấn luyện viên từ đối tác của FCV.

Hai bên sẽ cùng làm việc trong 6 tuần ươm tạo, huấn luyện nhằm chỉnh sửa và hoàn thiện mô hình kinh doanh để phù hợp với điều kiện thị trường nội địa.

Trong “Phiên thi tài chung kết”, các ứng viên sẽ trình bày thành quả của mình trước Hội đồng Giám khảo của FCV từ các ngân hàng lớn, chuyên gia tài chính và các nhà đầu tư.

Giải thưởng tiền mặt sẽ được dành riêng cho ứng viên xuất sắc toàn diện, cũng như các ứng viên xuất sắc trong từng lĩnh vực ưu tiên.

Các giải pháp công nghệ tốt nhất sẽ có cơ hội trình diễn sản phẩm và dịch vụ của mình trong Ngày hội Fintech quốc gia Việt Nam 2018, dự kiến được tổ chức vào ngày 28/5/2018.

Ban chỉ đạo về lĩnh vực Công nghệ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thành lập từ tháng 3/2017 để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái, bao gồm khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện phát triển hoạt động của công nghệ tài chính tại Việt Nam.

Chương trình Sáng kiến Kinh doanh Mê Kông (Mekong Business Initiative –MBI bắt đầu hoạt động từ năm 2015 nhằm hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân tại các thị trường thuộc khối ASEAN, tập trung vào các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Chương trình có mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh ở bốn nền kinh tế mới nổi của ASEAN, tập trung chủ yếu vào các vấn đề về sáng tạo đổi mới, tài chính thay thế và vận động kinh doanh. Chương trình do Chính phủ Australia và Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tài trợ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục