Đào tạo nguồn nhân lực du lịch thời kỳ 4.0: Kết hợp ba nhà

09:30' - 26/05/2019
BNEWS Theo các chuyên gia, ngành Du lịch cần đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, kết hợp chặt chẽ 3 nhà để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Hướng dẫn viên du lịch. Ảnh: TTXVN

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đó là cơ hội lớn để phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực, trong đó có du lịch là vấn đề thách thức đang đặt ra đối với tỉnh Khánh Hòa nói riêng, Việt Nam nói chung trong việc đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng này.

Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch của Việt Nam; là điểm đến thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước.

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, năm 2018, địa phương đã đón 6,3 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 2,7 triệu lượt, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 20.520 tỷ đồng.

Khánh Hòa hiện có 750 cơ sở lưu trú du lịch với trên 38.600 phòng, trong đó tổng số khách sạn, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao là 111 cơ sở với 20.028 phòng, đạt 51,8%, có khả năng cung cấp dịch vụ lưu trú chất lượng cao.

128 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành gồm 50 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 78 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (57 doanh nghiệp, 18 chi nhánh, 3 văn phòng đại diện) có 1.206 hướng dẫn viên du lịch (trong đó có 404 hướng dẫn viên nội địa, 802 hướng dẫn viên quốc tế và hàng ngàn lao động phục vụ trong ngành.

Dự kiến đến năm 2020, Du lịch Khánh Hòa có thể thu hút hơn 30.000 lao động trực tiếp trong ngành.

So với các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn, nguồn cung lao động hiện nay của Khánh Hòa vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng lẫn chất lượng.

Đây không chỉ là vấn đề của việc nhân lực thiếu và yếu mà còn là sự liên kết rời rạc, lỏng lẻo giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nên kết quả là "nhu cầu" một đằng, "cung cấp" một nẻo...

Thực tế, hoạt động tuyển sinh, đào tạo ở Khánh Hòa chỉ đáp ứng 60% nhu cầu.

Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho biết, hiện Khánh Hòa có 11 trường, cơ sở đào tạo về du lịch, nhưng chỉ mới phần nào đáp ứng được yêu cầu chung của ngành Du lịch.

Các cơ sở đào tạo chưa có sự đổi mới trong chương trình đào tạo, khả năng ứng dụng công nghệ mới giảng dạy chưa có và thiếu thời lượng thực hành, thực tế tại doanh nghiệp.

Do đó, nguồn nhân lực qua đào tạo có chất lượng chưa cao; trình độ ngoại ngữ, giao tiếp cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại.

Cũng theo ông Đào Mạnh Hùng, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực du lịch cho Khánh Hòa là các cơ sở đào tạo du lịch phải nỗ lực thay đổi phương pháp đào tạo theo hướng 4.0, cải tiến những bài giảng về thực hành bằng các ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn nữa.

Ông Hùng nêu ví dụ, đối với việc giảng dạy hướng dẫn giới thiệu tuyến điểm, nhà trường không cần tổ chức cho lớp đến một tuyến điểm mà chỉ cần ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng 3D, video để giới thiệu về tuyến điểm đó.

Bên cạnh đó, vai trò của người dân tại địa phương để phát triển ngành Du lịch hết sức quan trọng.

Ông Hùng cho rằng,  hững khách sạn, công ty lữ hành lớn có chất lượng phục vụ rất tốt. Do đó, theo ông Hùng, ngoài đường phố, người dân cần tham gia tốt hơn nữa vào việc đón tiếp khách du lịch.

Chỉ cần mỗi một người dân có thái độ thân thiện, văn minh với du khách, chắc chắn sẽ để lại hình ảnh du lịch Nha Trang - Khánh Hòa tốt đẹp, sâu sắc trong lòng khách du lịch khi đến tham quan và nghỉ dưỡng.

Tại Hội thảo khoa học về Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp được tổ chức tại Nha Trang mới đây, Thạc sĩ Vũ Ngọc Giang, Trường Đại học Khánh Hòa cũng "hiến" giải pháp, để hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch Khánh Hòa trong cuộc Cách mạng 4.0 phát triển hơn nữa, ngành Du lịch phải đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, kết hợp chặt chẽ 3 nhà:"Nhà nước – Nhà trường và Nhà doanh nghiệp) trong đào tạo.

Bên cạnh đó, các nhà trường đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin cho đào tạo du lịch; đổi mới mô hình quản trị đại học và quan trọng nhất là đẩy mạnh việc dự báo nhu cầu thị trường lao động về nhân lực du lịch.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang  - Khánh Hòa đề nghị các trường  cần nâng cao kỹ năng thực hành của sinh viên…

Theo Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay còn khá thấp, tỷ lệ lao động có chuyên môn nghiệp vụ chỉ đạt khoảng 43%. Hơn 50% số lao động làm du lịch không biết ngoại ngữ.

Hiện nay, mỗi năm ngành Du lịch cần thêm khoảng 40.000 lao động, tuy nhiên năng lực đào tạo chưa đáp ứng được con số này.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 196 cơ sở đào tạo du lịch, gồm 65 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề.

Hàng năm, các cơ sở đào tạo du lịch cho ra trường khoảng 22.000 sinh viên, học viên, trong đó, khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp; 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch; 18.200 học viên hệ trung cấp.

Ngoài ra, khoảng 5.000 lao động có trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Qua khảo sát tại các cơ sở đào tạo cho thấy, chương trình đào tạo chưa thống nhất, chưa sát với nhu cầu của xã hội; chất lượng giảng viên còn thấp; cơ sở vật chất giảng dạy thiếu; phương pháp giảng dạy nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành.

Điều đó khiến người lao động ra trường không bắt kịp với thực tế công việc, đặc biệt là việc sử dụng ngoại ngữ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam./.

                                                       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục