Đặt nền móng cho sự ra đời của hãng thông tấn nước bạn

08:14' - 12/09/2020
BNEWS Cán bộ, chuyên gia TTXVN đã giúp xây dựng Thông tấn xã Campuchia – SPK một cách vô tư, chí tình, chí nghĩa, sẵn sàng hy sinh cả xương máu của mình với tinh thần “giúp bạn là giúp mình.”

Hơn 40 năm trôi qua, đến nay, các cựu chuyên gia, phóng viên của TTXVN có nhiều người đã nghỉ hưu, nhiều người đã không còn nữa, nhưng những kỷ niệm về một thời hào hùng và oanh liệt, sẵn sàng lên đường, xông pha vào nơi bom đạn, sẵn sàng hi sinh để giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ phản động Pol Pot, hồi sinh một dân tộc, đặt nền móng cho sự ra đời của hãng thông tấn nước bạn..., thì không bao giờ phai mờ trong tâm trí họ.

Mật danh đoàn S.78

Cố nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN, Trưởng đoàn Chuyên gia TTXVN (S.78) giúp Thông tấn xã Campuchia SPK  (nay là AKP) từ tháng 1/1979-6/1981 đã chia sẻ trong cuốn “Những năm tháng ở Campuchia”: “Cuối năm 1978, 5 tổ phóng viên tin, ảnh được lệnh rời cơ quan ở TP Hồ Chí Minh theo 5 cánh quân ra trận. Khác những ngày lên đường chống Mỹ, mỗi tổ được trang bị một xe jeep, chiến lợi phẩm của tháng 4/1975. Không ồn ào đưa tiễn, chỉ những cái bắt tay lặng lẽ, vội vàng. Ngay lập tức một đề nghị được chuyển về Hà Nội, giao cho Cục Kỹ thuật chuẩn bị sẵn sàng một cơ sở thu phát với lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật đủ mạnh cho một hãng thông tấn quốc gia. Đến lúc này, TTXVN, từ một hãng thông tấn đang xây dựng và phát triển trong hòa bình đã chuyển một bộ phận quan trọng sang thời chiến. Rời TP Hồ Chí Minh với vài bộ đồ dã chiến còn lại từ thời chống Mỹ, chúng tôi sang Phnom Penh bằng máy bay trực thăng quân sự, không thể hình dung nổi một thủ đô vắng bóng người. Một thành phố chết, đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng”...

Đoàn chuyên gia đó của TTXVN mang mật danh S.78. Các cán bộ, phóng viên, điện báo viên, lái xe của TTXVN lưng đeo balô, vai vác súng đạn, mang lương khô cùng cây bút và chiếc máy ảnh bước vào cuộc chiến đấu mới: Làm nghĩa vụ quốc tế, phản ánh cuộc chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Nam cùng với Quân đội cách mạng và nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot.

Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập. Chỉ sau một ngày, ngày 3/12/1978, Thông tấn xã SPK tuyên bố ra đời, chính thức phát đi tin, ảnh về sự kiện quan trọng này.

Cùng thời điểm đó, TTXVN cũng đã triển khai lực lượng đi cùng năm cánh quân lớn trong chiến dịch giải phóng Campuchia. Năm tổ phóng viên gồm các phóng viên tin, ảnh, lái xe đã theo sát các mũi tiến quân ngay từ đầu chiến dịch.

Các tổ phóng viên có nhiệm vụ làm thông tin cho TTXVN và cho cả SPK đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; trong đó tổ phóng viên đi cùng Binh đoàn Cửu Long - Quân đoàn 4 đã có mặt ở Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979, kịp thời có thông tin, hình ảnh về sự kiện này.

Nhà báo Nguyễn Đăng Chiến, nguyên phóng viên TTXVN nhớ lại: Khi đó, Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ, thiếu thốn, khó khăn trăm bề.

Ông cùng nhiều cán bộ của TTXVN vừa từ chiến trường Miền Nam, Tây Nguyên, miền Bắc..., lại vác balo, súng đạn để lên đường sang Campuchia với khẩu hiệu “Giúp bạn là giúp mình”.

Ngày 25/12/1978, từ cơ quan TTXVN tại TP Hồ Chí Minh, 5 nhóm công tác của TTXVN xuất phát tham gia chiến dịch giúp bạn giải phóng Campuchia. Nhà báo Nguyễn Đăng Chiến cùng vài đồng nghiệp được cử theo mũi tiến công của Quân khu 5, nghĩa là phải ngược quốc lộ 1 ra miền Trung.

Diễn biến trên chiến trường rất nhanh, chỉ một tuần, quân ta đã hoàn thành nhiệm vụ chiếm giữ các vị trí chủ chốt trên toàn mặt trận.

Lực lượng của Quân khu 5 chiếm được thị xã Stung Treng ngày 4/1/1979, về cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, nhóm của nhà báo Nguyễn Đăng Chiến quay trở lại với đoàn chuyên gia TTXVN giúp SPK.

Vượt mọi khó khăn

Sau ngày 7/1/1979, việc giúp đỡ Thông tấn xã SPK chuyển sang một giai đoạn mới, với quy mô lớn và toàn diện trong bối cảnh của tình hình mới.

Sau khi thống nhất ý kiến về kế hoạch lâu dài tổ chức và hoạt động của SPK, các lãnh đạo cấp cao của Campuchia khi đó đã gặp đoàn chuyên gia của TTXVN và thống nhất quyết định, nhanh chóng xây dựng Thông tấn xã SPK từng bước phù hợp với cơ cấu một hãng Thông tấn quốc gia, nhưng cần có bước đi vững chắc, vừa dựa vào sự hỗ trợ của chuyên gia Việt Nam vừa tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ của chính mình.

Các biên tập viên và cục kỹ thuật SPK do các đồng chí Campuchia phụ trách với sự hợp tác của chuyên gia Việt Nam.

Riêng cục kỹ thuật và các bản tin tiếng nước ngoài thì tạm thời đề nghị các đồng chí Việt Nam chịu trách nhiệm chính...

Dưới sự giúp đỡ của đoàn chuyên gia Việt Nam, lễ mừng chiến thắng của Campuchia diễn ra tốt đẹp. Giới báo chí nước ngoài nhận được các văn bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cùng tiếng Khmer.

Tin, ảnh mừng chiến thắng được phát nhanh từ Phnôm Pênh qua đài phát sóng điện báo tự động và đường phát ảnh vô tuyến.

Nhà báo Nguyễn Đăng Chiến kể, khác với những gì sôi động, ồn ào của TP Hồ Chí Minh, Phnom Penh những ngày đầu giải phóng không có dân, hạ tầng cơ sở bị phá hủy hoặc bị bỏ hoang phế không khác gì “thành phố chết”.

Mặc dù từ tháng 1/1979, Campuchia đã thoát khỏi họa diệt chủng của quân Pol Pot nhưng gần 10 năm sau đó, đất nước chùa Tháp vẫn trong sự khốc liệt, nguy hiểm của tình trạng "nửa chiến tranh nửa hòa bình", các vùng “xôi đỗ, da báo” xen kẽ giữa chính quyền cách mạng Campuchia và quân Pol Pot.

Tàn quân Pol Pot  vẫn lập căn cứ ở nhiều nơi và trà trộn vào dân thường để hoạt động khắp các phum, sóc (thôn, bản).

Vì thế, bên cạnh máy ảnh, sổ ghi chép thì các nhà báo cũng phải mang theo cả súng AK mỗi khi đi công tác. Không ít lần, phóng viên của TTXVN thoát chết trong gang tấc trên đất nước bạn khi phải di chuyển giữa đêm khuya, xuyên rừng, có thể rơi vào ổ phục kích của quân Khmer Đỏ bất cứ lúc nào.

“Cuộc sống cũng nhiều khó khăn, thực phẩm cực kỳ thiếu thốn, rau xanh quý như “nhân sâm”, hàng tháng trời ăn thân cây chuối thay rau, thực phẩm dự trữ là cá muối, mặn vô cùng. Chưa kể hạ tầng cơ sở gần như bằng không, nhưng tất cả các cán bộ, chuyên gia của TTXVN không ai nhụt chí”, nhà báo Nguyễn Đăng Chiến chia sẻ.

Để đạt hiệu quả trong công việc, hai bên tổ chức lớp học cấp tốc dạy tiếng Việt cho cán bộ Campuchia và dạy tiếng Khmer cho cán bộ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.

Suốt 10 năm sau đó, cán bộ, chuyên gia TTXVN đã giúp xây dựng Thông tấn xã Campuchia – SPK một cách vô tư, chí tình, chí nghĩa, sẵn sàng hy sinh cả xương máu của mình với tinh thần “giúp bạn là giúp mình.”

Dưới sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia Việt Nam, guồng máy của SPK đã khởi động tốt, sau một thời gian thì các cán bộ của SPK đã đảm đương được nhiều việc. Mấy chục cán bộ Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ về nước.

Thủ đô Phnom Penh và đất nước Campuchia hồi sinh từng ngày. Được lòng dân, chính quyền cách mạng ở cơ sở dẫu chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng được dân tin, dân ủng hộ.

Bộ đội và nhân dân bạn được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đã dồn những nhóm tàn quân Pôn Pốt vào thế lẩn trốn, tan rã.

Cuối những năm 1980, trước những biến động chính trị và thay đổi về thể chế, SPK được thay đổi tên gọi thành AKP.

Từ đó về sau này, mối quan hệ giữa TTXVN và hãng Thông tấn Campuchia vẫn phát triển tốt đẹp, hợp tác, hữu nghị.

Nâng tầm mối quan hệ hợp tác

Tại cuộc gặp mặt cuối tháng 12/2019 tại trụ sở Bộ Thông tin Campuchia, Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith đã tiếp thân mật Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh, nhân dịp sang thăm và làm việc tại Vương quốc Campuchia từ ngày 11-14/12 theo lời mời của Tổng Giám đốc hãng Thông tấn Campuchia (AKP).

Bộ trưởng Khieu Kanharith đánh giá cao sự hợp tác truyền thống hiệu quả giữa TTXVN và AKP thời gian qua, đồng thời cho rằng những đề xuất hợp tác giữa hai cơ quan thông tấn đang ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, theo hướng nâng cao chất lượng thông tin.

Bộ trưởng Khieu Kanharith cũng khẳng định mong muốn các cơ quan báo chí Campuchia có nhiều bài viết hơn về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam.

Hiện tại, Đài Phát thanh quốc gia Campuchia đang phát chương trình tiếng Việt với thời lượng 10 phút và đặt mục tiêu tăng thời lượng sóng phát thanh tiếng Việt lên 30 phút/ngày.

Đề cập tới việc Campuchia sẽ là nước chủ nhà đăng cai SEA Games 2023, Bộ trưởng Khieu Kanharith đề nghị TTXVN hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm in và đặc biệt là chất lượng ảnh sử dụng trên tạp chí của Bộ Thông tin Campuchia nhằm tăng cường đưa hình ảnh của Campuchia tới các bạn bè quốc tế và trong khu vực ASEAN.

Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Minh khẳng định, trong khả năng của mình, TTXVN sẽ nỗ lực hỗ trợ đào tạo nhân lực cho AKP và các đơn vị khác của Bộ Thông tin Campuchia về thiết kế tạp chí, kỹ năng làm báo di động, báo điện tử, báo chí dữ liệu.

Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Minh bày tỏ hy vọng Chính phủ và Bộ Thông tin Campuchia tiếp tục ủng hộ quan hệ của hai cơ quan thông tấn hai nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Cơ quan thường trú TTXVN tại Vương quốc Campuchia hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm này, Phó Tổng Giám đốc Lê Quốc Minh cùng đoàn đại biểu TTXVN đã có buổi hội đàm với Tổng Giám đốc AKP Sok Mom Nimul và lãnh đạo các đơn vị chủ chốt của AKP.

Tổng Giám đốc Sok Mom Nimul cảm ơn sự hỗ trợ thiết thực của TTXVN về thiết bị tác nghiệp, đào tạo nhân lực cho AKP trong những năm qua. Hiện tại, các bản tin tiếng Anh, tiếng Pháp, ảnh có chú thích tiếng Anh của TTXVN vẫn là nguồn thông tin quan trọng để AKP dịch, biên tập và đăng phát tại Campuchia.

Hai bên đã ký Biên bản hội đàm làm cơ sở triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục