Đâu là thách thức trong công nghiệp hóa Tp. Hồ Chí Minh?

15:01' - 09/05/2023
BNEWS Thống kê của Sở Công Thương cũng cho thấy, ngành công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 18% GRDP và giảm so với 10 năm trước đây.

Ngày 9/5, tại tọa đàm "Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Tp. Hồ Chí Minh", các chuyên gia cho rằng, cần đánh giá lại tình hình phát triển để nhận diện những tồn tại, rào cản cho sự phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn.

 

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp thành phố đòi hỏi ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo mới đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Một số chuyên gia chỉ rõ, thách thức của ngành công nghiệp thành phố là tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP có xu hướng giảm và chững lại, quy mô ngành công nghiệp đang mất dần vị trí đứng đầu trong vùng Đông Nam Bộ.

Thống kê của Sở Công Thương cũng cho thấy, ngành công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 18% GRDP và giảm so với 10 năm trước đây. Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chiếm 11,46% trong tổng doanh nghiệp thành phố, chiếm 34,11% lao động thành phố.

Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh vẫn nằm ngoài khu công nghiệp - khu chế xuất còn chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có đăng ký trụ sở, văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh đang ngày càng có xu hướng mở rộng ra một số tỉnh, thành lân cận.

Tp. Hồ Chí Minh đã xác định 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 64% toàn ngành công nghiệp thành phố. Ngoài ra, có 2 ngành công nghiệp truyền thống chiếm tỷ trọng 15% toàn ngành công nghiệp thành phố.

Về giá trị tăng thêm ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng ngày càng giảm trong cơ cấu giá trị tăng thêm công nghiệp cả nước. Trên thực tế, Tp. Hồ Chí Minh không còn nhiều đất công nghiệp sạch, đồng thời 17 khu công nghiệp đang hoạt động, chiếm 14,41% khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ghi nhận tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 4/2023 có khởi sắc hơn so với tháng trước nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp là do thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng...

Tính riêng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2023 tăng 3% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố tăng 1,4% so với cùng kỳ.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng yếu, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 4,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành hóa dược tăng 12,6%; cơ khí tăng 4,3%; sản xuất hàng điện tử giảm 0,6%; lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 0,8%.

Tuy vậy, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố vẫn có những lợi thế nhất định của mình mà những địa phương khác khó có thể thay thế. Điển hình, thành phố cần tái cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao cũng như tiếp tục khai thác tiềm năng và phát triển công nghiệp trong tổng thể liên kết vùng.

Giai đoạn năm 2020-2025, Tp. Hồ Chí Minh tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ làm nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp khác.

Cùng với những ngành công nghiệp trọng yếu, Tp. Hồ Chí Minh đã từng bước định hướng sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển như: công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông, thời trang, công nghệ sinh học, năng lượng sạch...

Nhóm giải pháp triển công nghiệp đang triển khai là hình thành, nâng cấp những trung tâm hỗ trợ kỹ thuật chuyên ngành; xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ 3 ngành (cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, lương thực thực phẩm) và Đề án thành lập khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao....

Liên quan đến phối hợp liên ngành, ông Lê Thanh Minh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh cho hay, giải pháp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Trong số đó, ngành khoa học và công nghệ thành phố sẽ tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng, mua bán, chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ phát triển một số ngành công nghệ nền tảng.

Tp. Hồ Chí Minh luôn là một trong những đầu tàu của cả nước về phát triển mọi mặt; trong đó, có công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhất là dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo ra nhiều điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển luôn có những tồn tại đòi hỏi có sự bứt phá như mức độ cải thiện chất lượng tăng trưởng chưa vượt trội, chuyển dịch cơ cấu nội ngành kinh tế chậm, các khu vực kinh tế cũng gặp khó khăn trong quá trình cơ cấu...

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Tân - Phó trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, những yếu tố kéo chậm tăng trưởng kinh tế thành phố có thể kể đến như phát huy những nguồn lực để phát triển kinh tế còn hạn chế; hợp tác, liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế có mặt chưa hiệu quả; đóng góp của kinh tế thành phố vào nền kinh tế của cả nước có xu hướng giảm trên một số phương diện...

Bên cạnh đó, thành phố đối mặt với áp lực vừa đảm bảo duy trì, phát huy thế mạnh vừa phải huy động nguồn lực đầu tư, đổi mới để bắt kịp sự phát triển khoa học kỹ thuật.

Thời gian tới, quan điểm phát triển của Tp. Hồ Chí Minh là tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục