Đầu tư công tiếp tục là “động lực” tạo đột phá tăng trưởng kinh tế

17:02' - 12/02/2025
BNEWS Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm nay, các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư sẽ bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành.

Năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm nay, các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư sẽ bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao là 825,9 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 31/1/2025, các bộ, ngành, và địa phương đã phân bổ chi tiết 741,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch; trong đó, vốn ngân sách trung ương chiếm 310,1 nghìn tỷ đồng (88,6%) và vốn ngân sách địa phương đạt 431 nghìn tỷ đồng (90,6%).

Theo báo cáo tỉnh hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê mới đây cho biết, hoạt động đầu tư trong tháng 1/2025, tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2025, các công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp.

Do đó, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 4,1% so với kế hoạch năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2025 ước đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,1% kế hoạch năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 bằng 4,1% và tăng 16,9%), bao gồm: vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, bằng 3,7% kế hoạch năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đạt 3 nghìn tỷ đồng, giảm 2,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 591,3 tỷ đồng, tăng 88,6%; Bộ Y tế đạt 107,6 tỷ đồng, tăng 186,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 60,4 tỷ đồng, tăng 39,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 45,1 tỷ đồng, tăng 20,3%; Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 30,1 tỷ đồng, tăng 6,4 %; Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 19,3 tỷ đồng, tăng 35,6%.

Cùng với đó, vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 30,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,2% kế hoạch năm và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2025 đang được triển khai tích cực, mặc dù, vẫn còn những thách thức cần khắc phục.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đặc biệt là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hoàn thành các mục tiêu phát triển đề ra.

“Để đạt hiệu quả cao nhất, các bộ, ngành, và địa phương cần tiếp tục nỗ lực, phối hợp chặt chẽ và giải quyết nhanh các vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo sử dụng nguồn lực đầu tư một cách hiệu quả và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, chuyện sớm phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án là điều quan trọng. Ở góc độ khác, việc nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án cũng là điều kiện tiên quyết để ngay khi có vốn, dự án có thể được đưa vào thực hiện, giải ngân, không để tình trạng "vốn chờ dự án" như lâu nay.

Đặc biệt, Luật Đầu tư công đã có hiệu lực từ đầu năm 2025 với kỳ vọng sẽ tạo những “đột phá”, giải phóng nguồn lực đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước...

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đức Tâm, Luật Đầu tư công mới đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm thay đổi tư duy và phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, từ “quản lý” sang “quản lý cho kiến tạo phát triển” và “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”…

"Các chính sách sửa đổi tại Luật là các vấn đề "đã chín", đã rõ, thực sự quan trọng, thực sự cấp bách và điểm kiểm nghiệm trên thực tế, đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa tại Luật", Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho hay.

Chia sẻ từ góc nhìn chuyên gia về những kỳ vọng đột phá trong năm 2025 từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, thời gian tới, vẫn cần phải mạnh dạn giao hoặc sử dụng kinh nghiệm của khu vực tư nhân nhiều hơn.

“Nếu có cách làm phù hợp để tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân lớn, có năng lực trong triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, thông qua các hình thức như hợp đồng xây dựng - triển khai - chuyển giao (có thể dưới dạng BT) sẽ giúp giảm gánh nặng quản lý, triển khai dự án cho cơ quan nhà nước”, TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong năm 2025, để đầu tư công tiếp tục phát huy tốt vai trò là động lực tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế, trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa nguồn vốn vào nền kinh tế, thông qua một số giải pháp, cụ thể: phân công Lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

“Cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong toàn thể hệ thống chính trị; phát huy hiệu quả của các Tổ công tác của Chính phủ, tiếp tục thực hiện cơ chế Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương định kỳ để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tạo sự chủ động cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo phân công hướng dẫn các bộ, địa phương về quy trình cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, sỏi, cát biển cho dự án đầu tư công bảo đảm nhanh, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên theo dõi bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu chủ yếu phục vụ dự án đầu tư công, đề xuất các giải pháp để bảo đảm cung cầu hàng hóa, giá cả vật liệu xây dựng.

Đồng thời, cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin, giữ vững tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh phương thức sản xuất của nền kinh tế đang thay đổi, xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dự án nói riêng, quản lý nhà nước nói chung là xu hướng tất yếu, do đó, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý thực hiện các dự án đầu tư công. Sử dụng hệ thống dữ liệu tập trung để đảm bảo tính minh bạch, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả trong quản lý nguồn vốn đầu tư.

Về phía địa phương, để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo một số nội dung; đó là giao các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục đảm bảo dự án đủ điều kiện được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý và phân bổ năm 2025 (đợt 2); chủ động rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện từng công trình, dự án để xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để tổ chức thực hiện, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngay trong những tháng đầu năm 2025.

“Các bộ, ngành và địa phương cần đốc thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị dự án để sớm bước vào giai đoạn thi công. Có như vậy, mới tránh được tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả” giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhanh và hiệu quả ngay từ đầu năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục