Đầu tư hạ tầng cảng cá: Động lực phát triển thủy sản bền vững

16:39' - 15/04/2022
BNEWS Cảng cá là công trình hạ tầng kỹ thuật của ngành thủy sản, là động lực cho khá nhiều ngành nghề kinh tế địa phương phát triển.

Tuy nhiên, hệ thống cảng cá Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và kỳ vọng của xã hội.

Tốc độ đầu tư xây dựng cảng cá chậm so với mục tiêu quy hoạch nên năng lực cảng cá chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành thủy sản. Do vậy, việc đầu tư hạ tầng cảng cá là khâu quan trọng để tạo động lực cho phát triển thủy sản bền vững.

Theo quy hoạch tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cần phải quy hoạch tổng số 125 cảng cá; trong đó có 35 cảng cá loại I và 90 cảng cá loại II.

Tuy nhiên, sau hơn 6 năm triển khai, đến nay cả nước mới chỉ có 3 cảng cá loại I, 54 cảng cá loại II và 11 cảng cá loại III với khả năng tiếp nhận khoảng 8.000 lượt tàu/ngày và khả năng bốc dỡ khoảng 1,6 triệu tấn/năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã công bố 49 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản; 60 cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động tại vùng khơi vào cập cảng; 12 cảng cá chỉ định cho tàu cá nước ngoài vào cập cảng; 14 cảng biển cho tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam.

Theo Tổng cục Thủy sản, tiến độ đầu tư xây dựng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá còn khá chậm, chưa đảm bảo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều cảng cá chưa đáp ứng được các tiêu chí về vị trí để thu hút các tàu cá cũng như sản lượng cập cảng; chưa đáp ứng được tiêu chí về diện tích vùng đất, vùng nước trước cảng. Cùng đó, chưa đáp ứng được tiêu chí về cơ giới hóa cũng như rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng.

Một trong những nguyên nhân chính khiến việc hạ tầng cảng cá chưa đáp ứng được nhu cầu bởi nguồn lực tài chính đầu tư cho hệ thống này còn hạn chế. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu tư cho ngành thủy sản là khoảng 5.500 tỷ đồng/nhu cầu theo quy hoạch là 16.800 tỷ đồng, đạt 33%.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hầu hết các địa phương đều không dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho việc nâng cấp hạ tầng cảng cá. Trong khi đó, chưa có những chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hệ thống cảng cá cũng như phát triển các dịch vụ tại cảng. Bên cạnh đó là sự yếu kém trong việc quản lý của các đơn vị quản lý cảng cá; nguồn nhân lực tại cảng còn thiếu và chưa được đào tạo...

Điển hình như khi quy mô cảng cá nhỏ không đủ diện tích đầu tư xây dựng xưởng cơ khí đóng sửa tàu cá và chế biến thủy sản thì hoạt động cảng cá đơn điệu, nguồn thu tài chính ít, không tận dụng cơ sở hạ tầng đã đầu tư. Khi xưởng cơ khí đóng sửa tàu cá và chế biến thủy sản phải hoạt động ngoài cảng sẽ hạn chế khả năng tiếp cận khách hàng và cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh, tốn kém chi phí đầu và chi phí vận chuyển nguyên liệu.

Chủ tàu cũng phải tốn thêm chi phí và thời gian nếu cần sửa chữa tàu; không hình thành chuỗi sản phẩm khép kín để giảm giá thành.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, những tồn tại, hạn chế ở các cảng cá, khu neo đậu hiện nay cần nhanh chóng được khắc phục để đáp ứng được mục tiêu phát triển nghề cá hiện đại, có trách nhiệm. Điều này không chỉ góp phần quan trọng trong việc gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn tạo ra được nền tảng cho phát triển bền vững ngành thủy sản.

Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá cần theo hướng công nghiệp, hiện đại trên cơ sở nâng cấp, mở rộng cảng cá hiện có, tập trung vào các hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đảm bảo năng lực đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng cho tàu cá đánh bắt tại ngư trường khu vực.

Ngành tập trung xây dựng hoàn thành các Trung tâm nghề cá lớn, các cảng cá loại I gắn với ngư trường trọng điểm; tạo sức hút, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững, đồng thời từng bước nâng cấp các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hiện có gắn với cảng cá, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống cảng cá.

Dự kiến, trong thời gian tới từ nguồn vốn trung hạn cũng như nguồn vốn vay ODA giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ dành khoản đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng cảng cá đạt yêu cầu từ thực tiễn. Trong đó, nguồn vốn trung hạn trong nước khoảng 5.000 tỷ đồng, vốn vay ODA khoảng 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời, sửa đổi những chính sách để thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp tư nhân, sử dụng các dịch vụ cũng như thuê hạ tầng, qua đó tạo nguồn kinh phí bù đắp vào việc duy tu, sửa chữa các cảng cá.

Theo các chuyên gia, việc thu hút đầu tư tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này sẽ tích hợp đa giá trị trong sản xuất thủy sản: từ khai thác, bảo quản, chế biến, cho đến liên kết du lịch, bảo tồn cảnh quan hay nuôi biển...

Thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch ngành thủy sản cũng như quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, hy vọng các địa phương sẽ lồng ghép các chương trình, dự án và ưu tiên, bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa, đồng thời đầu tư cơ giới hóa cho các cảng cá, ông Nguyễn Quang Hùng chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục