Đầu tư kinh doanh vàng: Không dành cho người “yếu tim”

17:29' - 25/02/2020
BNEWS Việc giá vàng biến động quá mạnh chỉ sau một ngày cho thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đầu tư kinh doanh mặt hàng này.
Giá vàng “bốc hơi” mạnh sau phiên tăng kỷ lục. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Cuối giờ chiều 25/2, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 46,4 – 47,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Như vậy, chỉ sau một ngày, giá vàng bị “bốc hơi” lên tới 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.

Việc giá vàng biến động quá mạnh chỉ sau một ngày cho thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đầu tư kinh doanh mặt hàng này.

Thực tế ghi nhận tại các trung tâm vàng bạc lớn trên thị trường Tp.Hồ Chí Minh trong ngày 25/2 cũng cho thấy, lượng khách tới giao dịch tại các tiệm vàng dù sôi động hơn so với ngày thường, tuy nhiên giao dịch chủ yếu là hoạt động bán ra. Ở chiều mua vào tình hình khá ảm đạm ở cả cửa hàng lẻ và các trung tâm trang sức lớn.

Nhiều khách hàng cẩn trọng với việc giá vàng tăng, nên e ngại không dám mua vào. Bên cạnh đó, việc giá vàng tăng đột ngột chiều ngày hôm qua được cho là tăng ảo, nên khả năng vàng sẽ qua giai đoạn nóng để bình ổn, khi đó thì lượng giao dịch mới sôi động trở lại.

Lý giải nguyên nhân giá vàng “bốc hơi” mạnh sau phiên tăng kỷ lục, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết, đây là phiên điều chỉnh kỹ thuật thường thấy sau khi giá vàng đã tăng mạnh trước đó.

Kể từ năm 2018 đến nay, giá vàng có xu hướng liên tục tăng trong một chu kỳ dài. Trong phiên ngày 24/2, giá vàng đã tăng gần 50USD/lượng so với phiên trước đó, đưa giá vàng thế giới đến mức tiệm cận kháng cự quan trọng là 1.700 USD/ounce.

Đây là mức kháng cự kích hoạt động thái chốt lời nên việc giá vàng giảm mạnh trong ngày 25/2 chỉ là một xu hướng điều chỉnh về mặt kỹ thuật.

Những lo ngại liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là một trong những nguyên nhân chính khiến giới đầu tư chuyển sang mua các sản phẩm an toàn khác như vàng, trái phiếu chính phủ Mỹ.

Theo ông Khánh, thị trường chứng khoán rủi ro giảm điểm còn nhiều, tuy nhiên đối với việc giá vàng giảm chỉ mang tính chất điều chỉnh tạm thời. Vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng giá trong trung và dài hạn vẫn rất lớn, nhất là khi dòng tiền từ các định chế tài chính lớn, các ngân hàng trung ương vẫn tập trung vào những kênh đầu tư an toàn như vàng.

Nhận định về tình hình giá vàng trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cũng cho rằng, trong năm nay, giá vàng sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như bầu cử tổng thống Mỹ, các cuộc xung đột giữa Mỹ - Trung, Mỹ - Triều Tiên và Mỹ - Iran…

Tuy nhiên, những yếu tố này có thể sẽ kiểm soát được, còn yếu tố phát triển của dịch bệnh là không thể kiểm soát. Do đó, mức kháng cự 1.700 USD/ounce là bấp bênh và có thể vượt bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, vàng vẫn biến động khó lường và thận trọng là lời khuyên của các chuyên gia dành cho nhà đầu tư. Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, cần tránh “nhảy vào” trong thời điểm giá vàng biến động mạnh như hiện nay.

“Đặc biệt, sau 8 năm kể từ khi SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia duy nhất thì giá vàng SJC có mức chênh lệch giữa mua - bán lên đến trên 1,5 triệu đồng/lượng. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra kể từ khi thống nhất thương hiệu vàng quốc gia đến nay”, ông Phan Dũng Khánh cho biết.

Thậm chí, ngay cả khi thị trường ở thời điểm nóng nhất trong vài năm gần đây, mức chênh lệch này cũng chỉ 500.000-700.000 đồng/lượng. Điều này có nghĩa rủi ro của nhà đầu tư khi mua là rất lớn, có thể thua lỗ hàng triệu đồng/lượng.

Thêm vào đó, giá vàng trong nước có thời điểm có mức chênh lệch lớn so giá vàng thế giới, nếu “nhảy vào” đầu tư, khi giá vàng ổn định thì mức chênh lệch này sẽ bị thu hẹp lại, sẽ gây ra thua lỗ lớn. Do vậy, đối với nhà đầu tư ngắn hạn chỉ mua khi thị trường điều chỉnh giảm, tránh đu theo khi thị trường tăng nóng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, giá vàng hiện nay tăng là do lo ngại về dịch COVID-19 gây sức ép đến nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, nếu dịch bệnh này được kiểm soát thì chắc chắn giá vàng sẽ quay đầu. Để đảm bảo thị trường ổn định, các chuyên gia khuyến cáo người dân và nhà đầu tư không nên chạy theo tâm lý. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng, và có đủ nguồn lực để can thiệp khi cần thiết, hạn chế tình trạng vàng tăng nóng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục