Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn

12:24' - 04/02/2024
BNEWS Các trường Đại học tại Đà Nẵng đã đẩy nhanh việc xây dựng chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất ngành Thiết kế vi mạch.

Đón đầu xu hướng phát triển về công nghệ bán dẫn của cả nước và thành phố, các trường Đại học tại Đà Nẵng đã đẩy nhanh việc xây dựng chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất ngành Thiết kế vi mạch nhằm đáp ứng nhu cầu thực hành, thiết kế của sinh viên trong thời gian tới.

 

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) Huỳnh Công Pháp cho hay, để tập trung phát triển ngành Thiết kế vi mạch, nhà trường đã đầu tư xây dựng phòng Lab Thiết kế vi mạch, phòng thí nghiệm công nghệ mới hợp tác với Nam Long Group... Nhà trường còn trang bị nhiều thiết bị thí nghiệm vi điện tử, thiết kế mạch điện tử; xây dựng không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trường chú trọng phát triển nhân lực. Hiện trường có 30 giảng viên cơ hữu về vi điện tử, vi mạch, bán dẫn, kỹ thuật máy tính và 3 giảng viên đang học Tiến sĩ tại Hàn Quốc chuyên ngành vi mạch bán dẫn. Trường đã ký kết với 10 chuyên gia Hàn Quốc, Viện Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) và doanh nghiệp về việc đào tạo sinh viên chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Năm 2024 dự định sẽ tuyển khoảng 50 chỉ tiêu chuyên ngành Vi mạch bán dẫn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã có sự đầu tư kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhà trường đã chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo cũng như các buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Hiện trường đang triển khai xây dựng đề án mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch và sẽ tuyển sinh khóa kỹ sư đầu tiên trong năm 2024 với khoảng 50 sinh viên. Đồng thời, đơn vị đang trong quá trình hoàn thành xây dựng đề án đào tạo trình độ Thạc sỹ về IoT và Vi mạch bán dẫn.

Để chuẩn bị cho hoạt động này, trường đang trong quá trình hoàn thiện Dự án đầu tư vốn ODA xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn và hệ thống Internet vạn vật (IoT) với hệ thống máy chủ, phần mềm bản quyền cho đào tạo thiết kế vi mạch, các thiết bị đo kiểm thử chip bán dẫn; hệ thống phần cứng các nền tảng IoT thế hệ mới.

Nhà trường có đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên môn về điện tử, kỹ thuật máy tính có liên quan đến lĩnh vực bán dẫn, gồm: 2 Phó Giáo sư, 8 Tiến sỹ cũng như tận dụng tối đa nguồn lực giảng viên của Đại học Đà Nẵng cùng lĩnh vực chuyên ngành Thiết kế vi mạch. Từ các các quan hệ hợp tác, đơn vị sẽ mời các chuyên gia trình độ cao đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tư vấn, giảng dạy, bồi dưỡng, hướng dẫn thực tập cho sinh viên…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Cao Thọ cho rằng, Thiết kế vi mạch là ngành học dự kiến có nhu cầu về nguồn nhân lực rất lớn trong thời gian tới. Sinh viên học ngành này sẽ có cơ hội nhận được các chính sách như học bổng từ doanh nghiệp. Nhà trường cũng có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ để các em có động lực vươn lên, phát triển bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, đáp ứng nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp.

Nhằm bắt nhịp với xu hướng phát triển về công nghệ, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) vừa khai trương Phòng thực hành Thiết kế vi mạch. Phòng thực hành được đầu tư hệ thống máy tính, được cài đặt bộ công cụ thiết kế vi mạch chuẩn công nghiệp (Cadence), phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024.

Trước mắt, phòng sẽ được sử dụng cho các khóa đào tạo ngắn hạn Thiết kế vật lý vi mạch bán dẫn (VLSI), dự kiến khai giảng vào cuối tháng 2/2024 và phục vụ đào tạo cho sinh viên các ngành gần có liên quan đến Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Các thiết bị, máy tính thực hành được tài trợ chính của Công ty Đà Nẵng FUJIKIN cùng các đối tác FPT Software, Renesas, Cadence, Unitec tài trợ phần cứng, phần mềm có bản quyền. Các doanh nghiệp này cũng cam kết đồng hành cùng nhà trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực Vi điện tử - Thiết kế vi mạch và hỗ trợ các khóa đào tạo ngắn hạn.

Vào cuối tháng 1/2024, Đà Nẵng công bố thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo Thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC). Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, Trung tâm là đầu mối chuyên trách, tham mưu cho Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo thành phố xây dựng, triển khai Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thời gian tới. Thành phố kỳ vọng Trung tâm trở thành đầu mối tiếp nhận, mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong, ngoài nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục