Đẩy lùi hàng giả trên thương mại điện tử

10:32' - 14/11/2023
BNEWS Bên cạnh việc phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, nhiều hệ lụy đang được kéo theo đã và đang đặt ra thách thức mới trong việc chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mặc dù sức sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phục hồi sau dịch COVID-19 nhưng tại thị trường nội địa đang diễn ra tình trạng trả lại mặt bằng kinh doanh. Thế nhưng, khảo sát thực tế không phải bởi sức mua của người dân thuyên giảm mà đa số doanh nghiệp này chuyển đổi hình thức qua kinh doanh online.

 

Theo nhận định của lực lượng chức năng, bên cạnh việc phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, nhiều hệ lụy đang được kéo theo đã và đang đặt ra thách thức mới trong việc chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thống kê cho thấy, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Quản lý thị trường, xuất phát từ thay đổi thói quen mua sắm truyền thống qua online khiến việc kiểm tra kiểm soát của lực lượng đang gặp nhiều khó khăn. Bởi hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giờ đây không bày bán tràn lan mà sau khi qua biên giới hàng hóa được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng. Sau đó, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh và hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng chỉ ra những bất cập trong mua bán online bởi ngoài người bán-người mua, vô hình chung các công ty chuyển phát đã trở thành kênh vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu.

Hiện nay, 99% các công ty chuyển phát hoạt động chủ yếu bằng vận chuyển, mua bán hàng hóa online, chỉ 1% thư tín. Đặc biệt, gần đây, mạng xã hội Tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hàng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới nên hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Đơn cử, sau một thời gian dài thẩm tra, xác minh với hàng nghìn giờ theo dõi trên livestream của đối tượng, khi nhân viên đang tiến hành livestream bán hàng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai và Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Pleiku bất ngờ ập vào kiểm tra Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên (Ngọc Quyên Shop), địa chỉ 121/5 Lê Đại Hành, tổ 3, phường Đống Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận hàng hóa được chất đống ngổn ngang từ khu vựa phía ngoài cổng đến kho chứa trữ sâu bên hông khu vực nhà ở. La liệt các sản phẩm như nước hoa Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Louis Vuitton, Dior, Boss, Sauvage, Lancôme, Kilian….; giầy, dép, túi, ví các thương hiệu Louivuiton, Chanel, adidas, Nike; Mỹ phẩm các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; các loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc trong vòng 7 ngày cùng hàng loạt các mặc hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua các phiên livestream mà lực lượng theo dõi, rất nhiều các sản phẩm như giày Gucci, giày Adidas hay Nike được chào bán với giá từ 80.000-100.000 đồng/ sản phẩm. Các loại đồng hồ, kính mắt các nhãn hiệu Versace, Gucci, LV có giá từ 30.000- 200.000 đồng/ sản phẩm. Các loại mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, nước giặt có giá từ 20.000- 100.000/ sản phẩm.

Tương tự, tại nhiều tỉnh thành, lực lượng quản lý thị trường đã truy quét và xử lý triệt để hàng loạt các vụ việc, thu giữ lượng lớn hàng hóa vi phạm. Đã có nhiều vụ việc quản lý thị trường tiến hành chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam đối tượng vi phạm.

Mới đây nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thanh Hoá cũng đã tiến hành khởi tố 2 bị can về tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quy định tại khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự. Hai đối tượng là Trương Thị Liên (sinh năm 1971 ở xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung) và Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1994 ở phường Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, là con dâu của Liên).

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Trương Thị Liên cùng con dâu là Nguyễn Thị Thảo đã mua nhiều loại hàng hóa khác nhau giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng thế giới nhưng không được các chủ sở hữu hàng hóa bị giả mạo nhãn hiệu ủy quyền hoặc cho phép sử dụng nhãn hiệu trên thị trường Việt Nam. Tổng số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm 54 chủng loại với 13.370 sản phẩm, trụ giá trên 973 triệu đồng. Vụ việc được kiểm tra do Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Quản lý thị trường.

Đưa ra thêm thông tin về các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, các mặt hàng bị làm giả trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

Một thủ đoạn khác là các đối tượng chỉ chạy 1 link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị.

Trong khi đó, đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng, hàng giả, hàng vi phạm trên mạng có từ gói thuốc lào đến bao diêm Thống Nhất. Cơ quan quản lý biết là hàng hóa vi phạm nhưng để xử lý thì không dễ dàng.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên thương mại điện tử, bà Vũ Thị Minh Tú - đại diện sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada cho biết, hiện tại Lazada đang chú trọng thực hiện chính sách bảo vệ quyền sử hữu trí tuệ; tập huấn nhà bán hàng về chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng công nghệ quản trị sàn.

“Thời gian tới, Lazada sẽ phối hợp với các thương hiệu, các nước xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, trong đó gắn trách nhiệm cho các gian hàng trên sàn. Đồng thời, Lazada cũng sẽ hướng dẫn điều kiện đổi hàng, trả hàng cùng cam kết bảo đảm hàng chính hãng và xử lý nghiêm những gian hàng bán hàng giả, hàng kém chất lượng”, bà Vũ Thị Minh Tú nhấn mạnh.

Về phía lực lượng quản lý thị trường, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh cho rằng, phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử.

“Lực lượng quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Đặc biệt, ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án nhằm mục tiêu chung là hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Thời gian tới, lực lượng sẽ tăng cường theo dõi, rà soát để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi bán hàng giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu công khai trên các nền tảng thương mại điện tử. Việc này góp phần mang lại niềm tin cho người dân và xã hội, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút sự quan tâm, tin tưởng của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại thị trường Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục