Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản: Ngành điều thay đổi chiến lược phát triển

08:52' - 18/05/2018
BNEWS Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành điều đạt hơn 930 triệu USD, nhưng trong đó chủ yếu sơ chế; sản phẩm chế biến sâu chỉ chiếm 5%.

Suốt thời gian dài, ngành chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam chỉ tập trung vào khâu chế biến thô xuất khẩu, nên lúc nào cũng thiếu nguyên liệu, phải nhập nhân điều thô từ nước ngoài. Đây cũng là trở ngại lớn trong nhiều năm qua khiến ngành điều gặp không ít khó khăn.

Nhằm tháo gỡ những tồn tại này, ngành điều đang thay đổi chiến lược phát triển, đó là việc xây dựng và triển khai kế hoạch tập trung nâng cao giá trị toàn ngành, thay cho gia tăng số lượng như trước đây.

Tăng sản phẩm chế biến sâu

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành điều đạt hơn 930 triệu USD, nhưng trong đó chủ yếu sơ chế; sản phẩm chế biến sâu chỉ chiếm 5%.

Với công suất chế biến của toàn ngành hiện nay đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu điều mỗi năm, nhưng sản lượng nguyên liệu điều trong nước chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Số lượng nguyên liệu còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp cần đặt ra giải pháp tăng cường các sản phẩm chế biến sâu để tăng giá trị hạt điều hơn so với hiện nay.

Phơi hạt điều tại cơ sở thu mua tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, cuối năm 2017, ngành đã hoàn thành 3 mục tiêu của Quyết định 3993/QĐ-BNN-TT 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt đề án phát triển ngành điều bền vững. Đó là giữ vững diện tích điều cả nước 300.000 ha, năng suất bình quân đạt 1 tấn/ha và kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD.

Vì vậy, trong năm 2018, Hiệp hội điều Việt Nam đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh đề án phát triển ngành điều trong thời gian tới phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, ngành điều sẽ tăng cường tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu như bánh điều, kẹo điều, điều sấy mật ong,… lên 20% tổng sản lượng nguyên liệu trong nước, để tăng giá trị của hạt điều. Bởi trên thực tế, cả diện tích lẫn sản lượng, năng suất không thể tăng theo từng năm. Hơn nữa, ngành điều cũng không có đủ dư địa để tăng trưởng về số lượng.

Vì vậy, việc tái cơ cấu ngành điều trong thời gian tới 2020-2030 cũng là phù hợp với thực tiễn yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp nói chung của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Hà Mỵ, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Hà Mỵ (Bình Phước), công ty vốn đã đầu tư công nghệ chế biến sâu các sản phẩm điều. Công ty cần nguồn nguyên liệu sạch nên đã liên kết chặt chẽ với nông dân Bình Phước để truy xuất nguồn gốc từ vườn đến bàn ăn.

Ngoài việc cung cấp trực tiếp cho các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, … công ty còn chào hàng trên các trang bán hàng eBay, amazon để các khách hàng khắp thế giới đều có thể tìm được sản phẩm điều Việt Nam. Trong những năm qua, công ty đã đầu tư 20% cho sản phẩm chế biến, trong thời gian tới, tỷ lệ sản phẩm chế biến sẽ tăng lên 30% để nâng cao giá trị hạt điều theo chiến lược của ngành.

Đa dạng loại hình phát triển

Với ưu thế giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 3,5 tỷ USD (vào năm 2017) vượt qua ngành lúa gạo và một số mặt hàng công nghiệp khác, ngành điều đang mang trên vai triển vọng phát triển rất lớn. Chiến lược được đặt ra cho ngành điều trong thời gian tới cũng không hề nhỏ, bởi đây là một trong 9 ngành được Chính phủ đưa vào đề án xây dựng thương hiệu quốc gia.

Nhiều chuyên gia ngành điều nhìn nhận, nếu không xây dựng một thương hiệu thì cho dù sản phẩm chế biến điều của Việt Nam có tốt đến đâu sẽ khó cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài, dù chất lượng của họ có kém hơn sản phẩm điều của Việt Nam.

Do đó, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý được đặt lên vị thế cao hơn, trong khi các khâu khác như chế biến, chế biến sâu, chất lượng và công suất chế biến đã chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới. Đây chính là điều trăn trở của ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam.

Bên cạnh đó, những nông dân trồng điều cũng đang cần một chiến lược phát triển cây điều để ứng phó với biến đổi khí hậu, năng suất giảm, gia tăng thu nhập trên vườn điều. Qua khảo sát, tỉnh Bình Phước có diện tích điều lớn nhất cả nước trong 10 tỉnh trồng điều, với hơn 170.000 ha chủ yếu được trồng ở vùng núi, vùng có đông đồng bào dân tộc ít người sống.

Vì vậy, phát triển ngành điều cũng chính là phát triển đời sống dân sinh, xã hội cho những người dân trồng điều. Một trong những biện pháp giúp nâng cao thu nhập cho người dân trồng điều là chính họ chủ động “dồn điền, đổi thửa” tạo vùng nguyên liệu ổn định, vừa nâng cao sản lượng điều cung cấp cho chế biến, xuất khẩu. Thay vào đó, người dân vừa có thể trồng điều, trồng xen các loại cây khác như ca cao, chăn nuôi dưới tán điều tăng thêm thu nhập.

Theo anh Dụng Quý Đông, chủ trang trại điều Quý Đông, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, với cách thức này anh đã tạo được vùng nguyên liệu 300 ha tại khu vực Đồng Phú, vừa chuyên canh cây điều, vừa giúp những người trong chuỗi liên kết có thêm thu nhập. Thông qua vùng nguyên liệu, các hộ dân trồng điều có thể kết hợp với các công ty du lịch, thiết kế du lịch vườn điều sinh thái, giúp du khách thưởng thức các sản phẩm làm từ điều như rượu điều, xôi điều, chè điều,…

Đồng tình với những phương án khả thi trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng đã nhất trí đưa các phương án phát triển ngành điều vào đề án tái cơ cấu ngành điều giai đoạn 2020-2030, phù hợp với thực tế sản xuất của ngành điều. Đây cũng là một trong những vấn đề chủ chốt của tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2030.

Cụ thể, vẫn giữ diện tích điều cả nước là 300.000 ha, đồng thời liên kết với các quốc gia Campuchia, Lào xây dựng vùng nguyên liệu để cung cấp 1 triệu tấn kể từ năm 2020 trở đi, hạn chế sự phụ thuộc nguyên liệu vào các nước châu Phi, hạn chế bị làm giá, chất lượng kém.

Bên cạnh đó, toàn ngành tiến hành đầu tư công nghệ tăng cường sản phẩm chế biến cho ngành điều lên 20% giai đoạn 2020 và 30% giai đoạn 2030, giảm lượng điều xuất khẩu thô, giá trị thấp hơn nhiều so với các sản phẩm chế biến. Các địa phương có diện tích điều tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp điều thực hiện đề án du lịch sinh thái vườn điều bên cạnh đa chủng loại sản xuất trên diện tích điều, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài việc tìm thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp điều Việt Nam cũng chú trọng đa dạng sản phẩm, sản phẩm chất lượng cao để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tránh để doanh nghiệp nước ngoài mang thương hiệu lớn đánh bật dù chất lượng sản phẩm đứng sau sản phẩm điều Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục