Đẩy nhanh công tác xét nghiệm, tiêm vaccine tại Hà Nội và TPHCM trước 15/9

21:24' - 07/09/2021
BNEWS Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 17 giờ ngày 6/9 đến 17 giờ ngày 7/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.208 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh; 14.193 ca trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao nhất nước (7.310 ca); tiếp đóc là Bình Dương (3.966 ca); Đồng Nai (945 ca); Long An (490 ca); Kiên Giang (242 ca); Tiền Giang (183 ca); Quảng Bình (182 ca); Tây Ninh (164 ca)... Trong số này có 8.161 ca trong cộng đồng.

Như vậy, tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 550.996 ca mắc COVID-19, trong đó có 311.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 13.701 ca tử vong. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.369 ca

Ngày 7/9, thông tin từ Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh (do Bệnh viện Trung ương Huế quản lý và bắt đầu hoạt động từ ngày 24/8). cho biết, đơn vị đã điều trị khỏi và cho xuất viện 18 bệnh nhân COVID-19 nặng lớn tuổi, nhiều bệnh nền trong ngày.

Để điều trị thành công cho những bệnh nhân này đòi hỏi các bác sỹ phải kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị vừa chăm sóc nâng cao thể trạng. “Đây là một tiến bộ của Trung tâm trong việc điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng và hồi sức. Trong thời gian tới, dưới sự hỗ trợ từ Bộ Y tế và sự hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị sẽ tiếp nhận nhiều hơn nữa số lượng bệnh nhân mắc COVID-19” - Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết.

Ngoài 18 bệnh nhân nói trên, hiện tại có nhiều ca đã có thể xuất viện hoặc đủ điều kiện chuyển sang tầng điều trị nhẹ hơn sau thời gian được chữa bệnh ở Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

* Bảo đảm an ninh trật tự, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch

Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1118/CĐ-TTg điện các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở khám, chữa bệnh, khu cách ly tập trung, cơ sở sản xuất được sử dụng làm nơi cách ly; đặc biệt là phòng, chống cháy, nổ trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng khí oxy phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

 

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6187/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc nghiên cứu xử lý hành vi hủy đơn hàng "đi chợ hộ".

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu có chế tài xử lý nghiêm hành vi trên, để bộ đội, tình nguyện viên yên tâm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng có Công văn số 6186/VPCP-KGVX gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân ở các khu vực tăng cường giãn cách xã hội.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương liên quan kịp thời nắm tình hình, khắc phục các hạn chế, bảo đảm lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân ở các khu vực thực hiện tăng cường giãn cách xã hội.

Tại Công văn số 6188/VPCP-KGVX, Văn phòng Chính phủ cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc bảo đảm lương thực, thực phẩm đến được người dân.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền địa phương liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp để bảo đảm lương thực, thực phẩm đến được với người dân, đặc biệt tại "vùng đỏ".

* Chuẩn bị đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị, địa phương chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trong thời gian tới; cấp phát đầy đủ thuốc hỗ trợ, điều trị cho bệnh nhân F0 tại nhà.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu kiểm tra và xử lý kiến nghị của người dân về việc hơn 90% người dân tại khu vực 4/11, tổ 52, ấp Thới Tứ 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn chưa nhận được gói hỗ trợ nào, không liên hệ được các đường dây nóng; cán bộ phường yêu cầu người dân phải có chứng nhận tiêm vaccine mũi 1 mới được nhận hỗ trợ; Bệnh viện Xuyên Á Hóc Môn bắt buộc người bệnh COVID-19 cam kết không sử dụng bảo hiểm xã hội khi vào cấp cứu.

 

Chiều 7/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo chuyên đề nhằm cung cấp thông tin về tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua và kế hoạch tiêm vaccine đến ngày 15/9, hướng đến bao phủ 100% vaccine cho người trên 18 tuổi.

Đến nay, Thành phố đã tổ chức 5 đợt tiêm chủng cho nhóm người trong độ tuổi này và đạt tỷ lệ khá khả quan. Theo đó, thành phố đã triển khai tiêm vaccine cho 6.725.192 người. Thành phố hiện đang gấp rút tổ chức một đợt cao điểm tiêm chủng vaccine COVID-19; phấn đấu đến ngày 15/9 sẽ tiêm bao phủ mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi và hoàn thành tiêm mũi 2 cho những người đến thời hạn được tiêm tiếp.

* Sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội trong việc xét nghiệm thần tốc

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình chủ động chuẩn bị về nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội khi cần thiết trong việc xét nghiệm thần tốc, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị hợp lý, truy vết F1 để quản lý, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tính đến ngày 6/9, Hà Nội tiêm được 2,4 triệu liều vaccine, chiếm khoảng 35% dân số trong độ tuổi tiêm chủng của thành phố. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong những ngày tới, thành phố sẽ tăng tốc tiêm chủng khi có đủ vaccine được phân bổ.

Đặc biệt, thực hiện Công điện số 20/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, từ ngày 6-12/9, thành phố sẽ xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn theo nguyên tắc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần.

Còn tại khu vực có nguy cơ cao lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần nhằm bóc tách F0, ngăn chặn nguồn lây để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Từ ngày 6/9, Hà Nội đã thực hiện phân 3 vùng trên địa bàn thành phố để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và tập trung nhân lực, vật lực phòng, chống dịch ở khu vực nguy cơ cao.

Cùng với đó, thành phố đã ban hành các giải pháp đi kèm để kiểm soát lượng người ra đường, thực hiện giãn cách triệt để, thực chất ở vùng 1 (vùng nguy cơ cao), hạn chế người dân di chuyển giữa các vùng.

Đồng thời, trên cơ sở tầm soát y tế toàn dân, sẽ đánh giá mức độ nguy cơ để quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn trên tinh thần an toàn đến đâu, mở ra đến đấy.

Đánh giá thực tế qua 2 ngày đầu triển khai, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp và kiểm tra giấy đi đường phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch và an toàn của người dân.

Trước mắt, thành phố tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, điều chỉnh đến khi hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.

Các lực lượng chức năng chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

Hà Nội cũng đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung phân bổ vaccine để đến ngày 15/9, thành phố đạt tỷ lệ cao đối tượng trong độ tuổi được tiêm chủng.

Cùng với đó, thành phố đã chủ động chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm vaccine, bảo đảm công suất 200.000 mũi tiêm/ngày, hiện mới sử dụng công suất 150.000 mũi tiêm/ngày./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục