Đẩy nhanh thực hiện Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương

17:58' - 28/12/2021
BNEWS Ngày 28/12, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương.

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại điểm đầu tiên của đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Đoàn công tác đã làm việc với đại diện 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và các bộ, ngành, đơn vị liên quan tại thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai là địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai.

 

Tại cuộc làm việc, đại diện 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, các bộ, ngành và các đơn vị liên quan đã báo cáo Phó Thủ tướng về tình hình công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương.

Dự án Dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66km, trong đó 11km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai và 55km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trong 3 dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nối liền trung tâm tỉnh lỵ Lâm Đồng là thành phố Đà Lạt với Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng mức đầu tư 16.220 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư, có hỗ trợ góp vốn của Nhà nước. Dự án được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã kêu gọi và lựa chọn được Nhà đầu tư lập đề xuất dự án Liên danh Nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung.
Đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài hơn 73km, chiều dài 4 làn xe với chiều rộng nền đường 17m, giai đoạn hoàn chỉnh chiều rộng 24,75mvới tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 11.311 tỷ đồng.

Đoạn cao tốc này được đầu tư theo phương thức đối tác công tư. UBND tỉnh Lâm Đồng đã kêu gọi và xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận lựa chọn Nhà đầu tư lập đề xuất dự án là Liên danh Nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang. Thời gian gian thi công dự kiến 24 tháng và hoàn thành các thủ tục để thông xe trong năm 2025.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị được giao thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án, cả 2 đoạn cao tốc này cần sử dụng trên 940ha đất, trong đó có 189ha đất có rừng, chủ yếu thuộc địa bàn Lâm Đồng. Ngoài kiến nghị sớm phê duyệt chủ trương đầu tư, chuyển mục đích sử dụng rừng, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.

Thay mặt UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư cùng với chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án để địa phương tiếp tục triển khai các bước theo quy định; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không thay đổi tổng mức đầu tư và thời gian hoàn vốn, nhưng cho phép tỉnh Lâm Đồng và nhà đầu tư rà soát, đưa ra quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe có chiều rộng nền đường 17m, giai đoạn hoàn chỉnh chiều rộng nền đường 22m để đảm bảo đồng bộ với đoạn cao tốc Giầu Giây - Tân Phú và đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thực hiện đoạn cao tốc Giầu Giây - Tân Phú (địa bàn tỉnh Đồng Nai, khởi công trong năm 2022) để hoàn thành công trình trước năm 2025. Tỉnh Lâm Đồng cam kết sẽ cố gắng hoàn thành 2 đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương trên địa bàn tỉnh trong năm 2025 để đưa vào khai thác đồng thời cả 3 tuyến này, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.
Sau khi nghe báo cáo từ đại diện 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư đoạn Giầu Giây - Tân Phú phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện để có thể hoàn thành cùng với các đoạn khác trong dự án. Đối với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, đề nghị tỉnh Đồng Nai triển khai phương án thu hồi đất, sớm trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa lên Chính phủ phê duyệt chủ trương, làm cơ sở để ký Quyết định đầu tư.
Phó Thủ tướng đánh giá, trong toàn dự án này, có một đoạn Giầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư, thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Còn lại 2 đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương do tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư dự án, thực hiện theo phương thức đối tác công tư. Một địa phương vốn rất khó khăn mà đảm nhiệm làm một dự án cao tốc dài hơn 100 km là một sự cố gắng rất lớn. Do đó các bộ, ngành cần hết sức quan tâm ủng hộ để hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục