Đẩy nhanh tiến độ các dự án giải phóng công suất nguồn năng lượng tái tạo

09:54' - 04/11/2019
BNEWS EVNNPT, tuân thủ quy phạm và các quy định hiện hành....Phần đường dây đấu nối chuyển tiếp vào 02 mạch đường dây 220 kV NMĐ Vĩnh Tân - Phan Thiết, chiều dài tuyến khoảng 2,5 km.

Công nhân EVNNPT tích cực sửa chữa dường dây và trạm biến áp đảm bảo cung cấp điện phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nguồn: BNEWS/TTXVN

Để giải tỏa nguồn công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở khu vực phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận lên lưới điện quốc gia; đảm bảo cung cấp điện ổn định lâu dài, tin cậy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận cũng như các tỉnh, thành trong khu vực; đồng thời tăng cường độ ổn định, vận hành an toàn, linh hoạt trong lưới điện, mới đây, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu, đóng điện dự án nâng công suất Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm (thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận).

EVNNPT đã đầu tư nâng công suất Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm từ 250 MVA lên 500 MVA. Dự án được Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đại diện quản lý dự án, khởi công tháng 9/2019 với khối lượng thực hiện là thay thế 2 máy biến áp 220/110/22 kV – 125 MVA hiện hữu bằng 2 máy biến áp 220/110/22 kV – 250 MVA; hoàn thiện hệ thống điều khiển, bảo vệ phù hợp với máy biến áp thay mới; bổ sung, trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy phù hợp với máy biến áp 220 kV-250 MVA và trang bị hệ thống đo đếm điện năng theo quy định.

Ông Đạo Văn Rớt, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết Việc EVNNPT đầu tư nâng công suất thay thế 2 máy biến áp 220/110/22 kV – 125 MVA hiện hữu bằng 2 máy biến áp 220/110/22 kV – 250 MVA sẽ giúp giải tỏa được khoảng 500 MW công suất điện năng lượng tái tạo hiện nay của tỉnh Ninh Thuận. Tính đến thời điểm này, Ninh Thuận đã có 18 dự án chính thức đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 1.180 MW; trong đó, có 15 dự án điện mặt trời, công suất 1.063 MW và 3 dự án điện gió, công suất 117 MW.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giải phóng công suất nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài việc đã đóng điện nâng công suất Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm, EVNNPT cũng đang tích cực chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ dự án Trạm biến áp 220 kV Phan Rí. Ngày 30/10/2019, đoàn công tác của EVNNPT do ông Nguyễn Tuấn Tùng - Tổng giám đốc EVNNPT dẫn đầu đi hiện trường kiểm tra thực tế tiến độ thi công Trạm biến áp 220 kV Phan Rí và đường dây đấu nối. Dự án này có vai trò giải phóng một phần công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong khu vực, góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện.

Dự án TBA 220kV Phan Rí có quy mô lắp đặt 02 MBA 220kV – 250MVA, các ngăn lộ và thiết bị phù hợp.

Giai đoạn 1, triển khai lắp 01 MBA 220kV – 250 MVA; phía 220kV lắp đặt thiết bị cho 06 ngăn lộ và dự phòng vị trí cho 04 ngăn lộ;  phía 110kV lắp đặt thiết bị cho 09 ngăn lộ à dự phòng vị trí cho 09 ngăn lộ; hệ thống điều khiển, bảo vệ, đo lường, thông tin liên lạc và SCADA được trang bị phù hợp quy định của EVN, EVNNPT, tuân thủ quy phạm và các quy định hiện hành....

Phần đường dây đấu nối chuyển tiếp vào 02 mạch đường dây 220 kV NMĐ Vĩnh Tân - Phan Thiết, chiều dài tuyến khoảng 2,5 km.

Theo ông Trương Hữu Thành, Giám Đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB), dự án TBA 220 kV Phan Rí và đường dây đấu nối được SPMB khởi công xây dựng ngày 28/12/2018.

Đến nay, các nhà thầu thi công trạm và đường dây đấu nối đã và đang triển khai xây dựng theo kế hoạch.

SPMB đã cơ bản hoàn thành ký kết hợp đồng cung cấp thiết bị vật tư và các nhà cung cấp đang thực hiện đúng hợp đồng. Về bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay còn 5 hộ bị ảnh hưởng hành lang chưa nhận tiền bồi thường.

Sau khi kiểm tra thực tế tình hình thi công trên công trường và nghe báo cáo của SPMB và các đơn vị liên quan, Tổng giám đốc EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng đã chỉ đạo, hoàn thành đóng điện TBA 220 kV Phan Rí và đấu nối là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVNNPT.

Chậm nhất đến 30/12/2019 phải đóng điện dự án này để sớm giải tỏa nguồn công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Để đảm bảo tiến độ, SPMB phải bám sát địa phương, giải quyết dứt điểm vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao các vị trí còn lại cho nhà thầu thi công; đôn đốc các đơn vị cung cấp vật tư phải đáp ứng theo tiến độ để thi công đóng điện.

Các đơn vị phải ký cam kết thực hiện đúng tiến độ đối với phần việc của mình trong hợp đồng; các đơn vị tư vấn giám sát cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn để đảm bảo tiến độ đóng điện dự án theo kế hoạch được giao.

Việc sớm hoàn thành các dự án trên sẽ góp phần giải tỏa công suất các nhà máy điện năng lượng điện tái tạo, đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và khu vực lân cận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục