Đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án đầu tư lớn tại Tp. Hồ Chí Minh

11:48' - 08/10/2019
BNEWS UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo các sở ngành tiến hành các phần việc liên quan để đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án đầu tư lớn.

Liên quan thực hiện các dự án đầu tư lớn trong diện thanh kiểm tra, hoặc "treo nhiều năm", lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo các sở ngành của thành phố tiến hành các phần việc liên quan để đẩy nhanh quá trình triển khai.

Cùng với đó, những vướng mắc, khó khăn tại một số dự án lớn khác cũng được các đơn vị quản lý đề xuất, kiến nghị tháo gỡ theo thẩm quyền.

* Thu hồi tiền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Trên cơ sở đề xuất của Nhóm Công tác liên ngành thực hiện Dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chấp thuận việc thu hồi ngân sách nhà nước thành phố 1.800 tỷ đồng tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT (xây dựng – chuyển giao) bổ sung của Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.

Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN

UBND thành phố giao Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm xây dựng dự thảo văn bản cho UBND thành phố gửi Thanh tra Chính phủ xin ý kiến về việc tính lãi suất chậm nộp và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương ứng với số tiền sẽ nộp nói trên.

Về các phương án phân lô bố trí nền đất tái định cư cho các hộ dân thuộc khu 4,39 ha phường Bình An, quận 2, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương rà soát và xây dựng dự thảo Tờ trình cho UBND thành phố báo cáo đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn đối với phương án chiều ngang mỗi nền đất có kích thước 4,5m.

UBND thành phố cũng giao Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm xem xét thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đối với 12 lô đất có chức năng quy hoạch đất nhà ở thương mại dịch vụ, để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, đồng thời, phối hợp Sở Quy hoạch và Kiến trúc lập điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 đối với 3 lô đất có chức năng quy hoạch đất trường học, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Sau khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch được phê duyệt, giao Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm xem xét, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 3 lô đất này, để phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.

Đối với yêu cầu hoàn trả số tiền thuê đất đã nộp vào ngân sách Nhà nước và chi phí đầu tư của Công ty cổ phần phát triển nguồn lực Việt Nhật liên quan đến dự án Khu công viên Tri thức Việt - Nhật, UBND thành phố giao Sở Tài chính phối hợp Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm dự thảo Công văn của UBND thành phố đề nghị các nhà đầu tư (có tên trên Giấy chứng nhận đầu tư) thống nhất cử người đại diện có đủ thẩm quyền làm việc với các cơ quan Nhà nước Việt Nam để giải quyết vấn đề.

Lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm xem xét, rà soát cơ sở pháp lý về hoàn trả chi phí hỗ trợ xây dựng trụ sở UBND phường Thủ Thiêm (quận 2) tại Khu chức năng số 2c trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần.

Để chuẩn bị triển khai dự án Khu phức hợp thông minh do Tập đoàn Lotte làm chủ đầu tư, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các Bộ ngành liên quan, đồng thời trình bày rõ các điểm ưu việt của dự án, hoàn chỉnh dự thảo văn bản của UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

* Đẩy nhanh tiến độ dự án "rùa bò"

Cùng với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều dự án trọng điểm "rùa bò", treo nhiều năm cũng đang được chính quyền thành phố "thúc" tiến độ.

Dự án Khu tái định cư Sing Việt và Khu đô thị Sing Việt, huyện Bình Chánh là một trong những dự án treo kỷ lục với hơn 22 năm kể từ khi UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành quyết định thu hồi đất.

Với dự án này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong giao các sở ngành liên quan phối hợp UBND huyện Bình Chánh, rà soát đối chiếu với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt, làm việc với nhà đầu tư, thống nhất phương án thực hiện để dự án sớm hoàn thành các thủ tục, thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm bố trí nền tái định cư cho người dân, không để xảy ra khiếu kiện của người dân và nhà đầu tư.

Một dự án "trễ hẹn" hơn 1 năm so với cam kết hoàn thành ban đầu (tháng 4/2018) là dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu do Trung Nam Group làm chủ đầu tư có quy mô gần 10.000 tỷ đồng. Dự án này bị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh đàm phán lại hợp đồng BT theo hướng tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Tính đến tháng 9/2019 dự án mới thi công được 77% khối lượng, giá trị giải ngân chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ đạt gần 72 tỷ đồng.

Mặc dù đã đi quá nửa chặng đường nhưng do vi phạm một số quy định trong đầu tư nên mới đây dự án mới được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư, tiếp đó thực hiện việc điều chỉnh ranh thiết kế cơ sở, kiểm định chất lượng thép chế tạo van cửa, đang tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng BT do đơn vị tư vấn cũ rút lui liên quan đến khiếu nại tố cáo việc thay đổi thiết kế cơ sở dự án…

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đang chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan thẩm đinh, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, tham mưu UBND thành phố ký phụ lục hợp đồng BT theo đúng quy định. Việc gia hạn thời gian tái cấp vốn của dự án vẫn chưa được chấp nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn 5 hộ dân tại huyện Nhà Bè và Bình Chánh chưa bàn giao mặt bằng do chưa thống nhất giá đền bù.

Tuyến metro số 1 nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị Tp. Hồ Chí Minh (thay mặt UBND thành phố giám sát, đánh giá nghĩa vụ nhà đầu tư theo hợp đồng BT) kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, sớm kiện toàn Tổ đàm phán phụ lục hợp đồng BT để đàm phán, ký với nhà đầu tư.

Ngoài ra, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị Tp. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các địa phương hoàn tất bàn giao mặt bằng và hoàn tất thủ tục tái cấp vốn cho dự án.

"Ách tắc" không kém là dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư), từ năm 2017 đến tháng 9/2019, để tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán vốn ODA cho các nhà thầu, ngân sách thành phố đã tạm ứng cho tuyến metro số 1 hơn 5.431 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn ODA hết sức chậm chạp.

Một trong những những nguyên nhân là do dự án đang chờ phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư (đội vốn từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng), phải lùi thời gian hoàn thành khai thác từ năm 2018 đến năm 2020.

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét các thủ tục bổ sung, vay lại vốn ODA cho dự án tuyến metro số 1 song song với việc điều chỉnh dự án.

Ngoài ra, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị cũng kiến nghị UBND thành phố ký kết hợp đồng vay lại Hiệp định VN15-P5, xem xét việc tạm ứng từ ngân sách số tiền 1.724 tỷ đồng nếu dự án không kịp phê duyệt điều chỉnh và bố trí vốn ODA từ ngân sách Trung ương trong quý IV/2019.

Còn tại tuyến metro số 2 (tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 1,374 tỷ USD, sau điều chỉnh lên 2,173 tỷ USD) theo tiến độ được duyệt ban đầu, dự án sẽ đưa vào vận hành và khai thác trong năm 2018 nhưng do điều chỉnh thiết kế cơ sở, thay đổi tổng mức đầu tư nên tiến độ lùi lại đến năm 2026.

Hiện nay, chỉ mới có gói thầu CP1 đã khởi công và hoàn thành. Chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục để triển khai các gói thầu cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, ký kết phụ lục hợp đồng, điều chỉnh nguồn vốn dự án…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục