ĐBSCL xuống giống hơn 1,65 triệu ha lúa Đông Xuân

10:15' - 29/11/2017
BNEWS Các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ xuống giống 1,65 triệu ha lúa, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
ĐBSCL xuống giống hơn 1,65 triệu ha lúa Đông Xuân. Ảnh minh họa: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN

Ông Lê Thanh Tùng, đại diện phía Nam Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ Đông Xuân 2017 – 2018, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ xuống giống 1,65 triệu ha lúa, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Lê Thanh Tùng, với tình hình nguồn nước năm nay dồi dào diện tích lúa Đông Xuân ở vùng này có thể tăng thêm khoảng 10.000 ha. Đến thời điểm hiện tại, tốc độ xuống giống cũng tương đương với vụ Đông Xuân 2016 – 2017.

Hiện nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được khoảng 400.000 ha, đạt 20% kế hoạch. Đến cuối tháng 11, diện tích xuống giống có thể đạt 700.000 ha.

Trong cơ cấu giống, năm nay, theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giống lúa thơm và lúa đặc sản được sử dụng cao hơn các năm trước, với tỉ lệ khoảng 20 – 25%.

Ngoài hai nhóm giống trên, các giống chất lượng cao, trắng, trong, hạt dài để phục vụ xuất khẩu vẫn chiếm tỷ lệ cao với phân nửa cơ cấu giống được sử dụng.

Đặc biệt, trong vụ này, diện tích các giống lúa được dùng làm nguyên liệu chế biến (các giống cho gạo cứng, có hàm lượng amylose cao) có thể tăng lên 15 – 20%, tùy vào nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp, ông Tùng cho biết.

Ngoài ra, diện tích lúa nếp vẫn được duy trì để đáp ứng xuất khẩu vào các thị trường có nhu cầu vào đầu năm 2018.

Thực tế, trong vụ Hè Thu 2017, một số địa phương mở rộng diện tích nếp khiến khi tiêu thụ bị dồn ứ. Do đó, trong vụ Đông Xuân 2017 – 2018, các tỉnh không nên mở rộng diện tích nếp do nhu cầu của thị trường không có nhiều đột biến.

Theo ông Lê Thanh Tùng, cơ cấu giống trong vụ Đông Xuân 2017 – 2018 đã được khuyến cáo từ tháng 10.

Các địa phương trong vùng cũng đã xây dựng cơ cấu giống riêng của từng tỉnh, phù hợp với các vùng nguyên liệu và nhu cầu xuất khẩu.

Vụ Đông Xuân năm nay có thuận lợi là ngay từ đầu vụ nguồn nước phục vụ sản xuất rất dồi dào, có thể cung cấp cho cả vụ.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, do hoàn lưu của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam đã gây mưa trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, nước lũ cũng rút với tốc độ chậm nên để xuống giống đúng lịch thời vụ, nhiều nông dân ở các địa phương phải tổ chức bơm tát nước ra khỏi đồng ruộng. Do vậy, một số vùng phải bơm tát nhiều nên chi phí sản xuất có thể cao hơn các năm trước.

Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo nông dân nên tuân thủ theo lịch thời vụ mà ngành chức năng đã đưa ra.

Năm nay là năm nhuận, thời điểm tới Tết âm lịch kéo dài hơn 1 tháng nhưng nông dân không nên chủ quan, tuân thủ đúng lịch để tránh rủi ro.

Đồng thời, lưu ý đến việc lây lan và tái bộc phát của dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Bên cạnh đó, nông dân cần sản xuất theo quy trình “3 giảm. 3 tăng”, “1 phải. 5 giảm”, áp dụng biện pháp tưới ngập khô xen kẽ để cây lúa có thể sinh trưởng, phát triển tốt nhất, kể cả những nơi có nguồn nước dồi dào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục