Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Bàn giải pháp tháo gỡ “nút thắt” quỹ đất

16:53' - 01/04/2025
BNEWS Báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở xã hội chỉ ra rằng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn.

Quỹ đất được xác định là một trong ba “nút thắt” trong việc xây dựng nhà ở xã hội hiện nay. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này là nội dung chính được bàn thảo tại toạ đàm “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức ngày 1/4.

Báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở xã hội chỉ ra rằng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn. Với số lượng căn hộ được khởi công và hoàn thành, đến nay đã đạt khoảng 42,38% mục tiêu của Đề án “Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp và công nhân trong giai đoạn 2021 – 2030”.

 

Theo ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, hầu hết địa phương đã quan tâm bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội. Đến hết năm 2024 cả nước đã bố trí được 1.309 vị trí quy hoạch, với khoảng 9.737ha đất làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một số địa phương quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật để kết nối, thu hút doanh nghiệp đầu tư nhưng còn khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

“Một phần do thiếu nguồn ngân sách Nhà nước, phần khác do dự án này thủ tục lựa chọn chủ đầu tư còn tương đối phức tạp, phải qua đấu thầu, mất rất nhiều thời gian nên Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hôi được phê duyệt năm 2023, đến nay mới thực hiện hơn 2 năm”, ông Chử Văn Hải cho hay.

Thực tế, tại một số địa phương tích cực triển khai khởi công, hoàn thành các dự án, đạt tỉ lệ cao so với chỉ tiêu của đề án đến năm 2025. Trong khi đó, một số địa phương có nhu cầu về nhà ở xã hội lớn nhưng số dự án được khởi công còn thấp.

Một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay việc bố trí quỹ đất dành cho thực hiện các dự án nhà ở xã hội còn rất ít, rất thiếu và đặc biệt chưa đồng đều, chưa đầy đủ, chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Trong khi thủ tục và quy trình phê duyệt dự án còn tương đối dài.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai chỉ rõ hai khía cạnh vướng mắc, tồn tại về nhà ở xã hội là chính sách và thực hiện chính sách.

Đối với chính sách, Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 còn bất cập. Nhà ở xã hội theo Luật Đất đai 2013 quy định quỹ đất cho nhà ở xã hội không phải qua đấu giá, chỉ giao đất, nhưng Luật Nhà ở 2014 quy định phải đấu thầu, điều này khiến mất thời gian, kéo dài.

Ngoài ra, vấn đề tồn tại trong chính sách là quy hoạch, do quy định của Nhà nước về nhà ở xã hội. Quỹ đất dành cho nhà ở xã hội trước đây còn mang tính chất thụ động, trung ương đưa quy hoạch đất đai, các địa phương có chỉ tiêu và dựa trên đó là quy định bao nhiêu % là quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

“Trong các luật mới, Nhà nước đã cho địa phương chủ động hơn trong quy hoạch đất dành cho nhà ở xã hội. Theo đó, Quy định Luật Nhà ở 2014 nêu rõ các địa phương, các dự án phải dành 20% quỹ đất, diện tích dành cho nhà ở xã hội, có chỗ lại cho quy định bằng tiền và nhiều chỗ khác hiện không thực hiện", Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai cho hay.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thay vì quy định  trong dự án nhà ở thương mại, doanh nghiệp phải dành ra 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội như trước hiện nay 20% đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền hoặc bổ sung ở nơi khác chứ không nhất thiết phải thực hiện trong khuôn viên đó. “Đây là quy định rất cởi mở nhưng rất tiếc nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư chưa thẩm thấu được lợi ích từ các chính sách ưu tiên”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai nhấn mạnh quan điểm đừng nghĩ phát triển nhà ở xã hội là của một doanh nghiệp hay của một cơ quan xây dựng mà của cả tổng thể hệ thống chính trị, trách nhiệm của toàn xã hội. Giải quyết nhà ở xã hội không chỉ cho một số đối tượng mà cả xã hội cũng được hưởng lợi từ việc phát triển nhà ở xã hội.

Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Cùng với đó là trình tự thủ tục chính sách nhà ở xã hội. Nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hộ có sự tham gia hỗ trợ của nhà nước và đã có chủ trương thành lập quỹ phát triển nhà ở đây là một nguồn lực.

Tiếp đó là quyết tâm chính trị tại Thông báo số 20 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thành lập các Ban chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội, là cơ sở để đạt mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn hộ xã hội vào năm 2030.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục