Đề cập nhiều vấn đề “nóng” trong lĩnh vực giáo dục đào tạo

14:53' - 06/06/2018
BNEWS Phóng viên TTXVN tại các địa phương đã ghi nhận ý kiến của cử tri về phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Thực hiện chương trình kỳ họp, sáng 6/6, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Phiên chất vấn được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình, thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri cả nước. Phóng viên TTXVN tại các địa phương đã ghi nhận ý kiến của cử tri về phiên chất vấn này. 

*Nâng cao chất lượng giáo dục, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội 

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thu hút sự quan tâm của cử tri tỉnh Điện Biên. Các cử tri cho rằng việc đổi mới hình thức chất vấn của Quốc hội đang mang lại hiệu quả cao, nhiều cử tri được nêu ý kiến chất vấn Bộ trưởng. Phiên chất vấn thực sự "nóng" với những vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm, các đại biểu cũng rất có trách nhiệm với các nội dung câu hỏi. Nhiều cử tri ở Điện Biên cho rằng, chất lượng giáo dục nước ta đang còn nhiều tồn tại so với khu vực và thế giới. Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nhiều biện pháp mạnh hơn để nâng cao chất lượng giáo dục. 

Cử tri Nguyễn Thị Vy, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cựu giáo chức thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) cho biết, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cử tri đặc biệt quan tâm đến thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đối với con số 200.000 cử nhân thất nghiệp, theo cử tri Vy là do cơ chế, mục đích, phương thức đào tạo đại học chưa đúng trọng điểm, trọng tâm. Ngành nào thiếu phải đào tạo nhiều, ngành nào đang dư thừa, không cần nhiều phải hạn chế đào tạo. Cử tri Nguyễn Thị Vy kiến nghị cần cải tổ phương pháp giáo dục, cơ chế và mục đích giáo dục để nền giáo dục nước ta đi đúng hướng và đạt chất lượng cao hơn. 

Tại Thừa Thiên - Huế, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được rất nhiều cử tri quan tâm theo dõi. Nhiều cử tri cho rằng, các đại biểu đặt câu hỏi và Bộ trưởng trả lời rất thẳng thắn, không né tránh những thiếu sót, hạn chế trong lĩnh vực giáo dục hiện nay và đưa ra những giải pháp thiết thực để khắc phục, đặc biệt là đối với những vấn đề mà cử tri cả nước đang quan tâm như nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, quản lý giáo dục mầm non, khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của giáo viên và học sinh... 

Cử tri Phạm Văn Thụ, đường Ngự Bình, phường An Cựu, thành phố Huế cho rằng: Phiên chất vấn sáng 6/6 hiệu quả và thiết thực, các đại biểu đặt câu hỏi và Bộ trưởng trả lời cụ thể, ngắn gọn đi sâu vào các vấn đề "nóng" trong ngành giáo dục mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. 

Theo cử tri Phạm Văn Thụ, sinh viên ra trường không có việc làm là một vấn đề đang được quan tâm trong xã hội. Vì vậy, cần chú trọng đến công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Các trường đại học cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội; kết nối, phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo, đồng thời chủ động nghiên cứu thị trường lao động để mở những ngành học phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường hơn nữa trong việc trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ cho sinh viên để đáp ứng môi trường hội nhập như hiện nay. 

Tại Cần Thơ, cử tri Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cho rằng: Quan trọng nhất trong các quyết sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục là phải đào tạo được đội ngũ giáo viên giỏi. Do đó, việc đánh giá năng lực giáo viên, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên nhằm thích ứng với sự biến chuyển nhanh chóng của xã hội hiện nay. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục phổ thông; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục phổ thông cũng được coi là định hướng đúng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được địa phương triển khai quyết liệt. 

Theo cử tri Trần Hồng Thắm, đối với bậc giáo dục phổ thông, với quy mô 280 trường, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ kiên định phương hướng thực hiện chương trình giáo dục theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; ủng hộ đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; đồng thời nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học. 

*Chú trọng hơn nữa việc giáo dục đạo đức, lối sống 

Cử tri Phạm Văn Thụ, đường Ngự Bình, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế cho rằng, đối với những sự việc liên quan tới xuống cấp đạo đức học đường gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây, cần có sự nhắc nhở, xử phạt nghiêm để tạo tính răn đe. Ông cha ta đã từng nói "Tiên học lễ, hậu học văn", vì vậy ngành giáo dục và đào tạo cần chú trọng xây dựng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp từng cấp học và trình độ. Mỗi giáo viên phải thực sự là tấm gương về đạo đức, nghề nghiệp với học sinh. Mỗi học sinh cũng cần tự ý thức về trách nhiệm của bản thân, nỗ lực học tập, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Nhà trường và phụ huynh thường xuyên gặp gỡ, liên kết nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục. Cùng với sự nỗ lực của nhà trường, các gia đình cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc và giáo dục con em mình, tạo môi trường tốt nhất để học sinh phát triển, hoàn thiện nhân cách. 

Cử tri Nguyễn Thị Hương, trú tại khu vực 5, phường Thủy Xuân, thành phố Huế cho biết: Việc phát triển mạng lưới giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết nhu cầu gửi trẻ của người dân, giảm tải tình trạng quá tải trong các trường mầm non công lập và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở mầm non tư thục được cấp phép và hoạt động hiệu quả, vẫn có những nhóm, lớp chưa đảm bảo điều kiện an toàn cho trẻ. Người dân, vì nhiều lý do như học phí thấp, nhận trông trẻ dưới 24 tháng tuổi, thời gian giữ trẻ linh hoạt, thuận tiện cho công việc... nên chưa chú trọng đến việc cơ sở đã được cấp phép hay chưa, chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở đó như thế nào. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ xảy ra ở một số cơ sở mầm non ngoài công lập, xã hội cần lên án mạnh mẽ để tạo sự răn đe. Công tác quản lý cũng cần chặt chẽ hơn, nghiêm túc rà soát điều kiện cấp phép mở cơ sở nuôi dạy trẻ. Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ trình độ, năng lực và phẩm chất; có những cơ chế đặc thù để xây dựng các trường mầm non, nhà trẻ đạt chuẩn, nhất là ở những khu đông dân cư, những nơi tập trung xóm trọ của công nhân để đảm bảo an toàn cho trẻ và sự an tâm cho phụ huynh. 

Từ tỉnh Điện Biên, cử tri Chu Thúy Oanh, Phó Chủ tịch Hội giáo chức phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ bày tỏ sự băn khoăn về tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống của giáo viên và học sinh trong nhà trường. Hiện chất lượng giáo dục trong các trường chưa cao, tình trạng giáo viên không đủ năng lực đang dạy học trong các trường vẫn diễn ra, cùng với đó là sự thiếu phối hợp giữa gia đình và nhà trường, dẫn đến tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, các hành vi bạo lực học đường... Vì vậy, cử tri Chu Thúy Oanh đề nghị cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục cho giáo viên, đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm. Đồng thời, nhà trường phải nâng cao nhận thức về truyền thống "tôn sư trọng đạo" cho học sinh. Những giáo viên không đảm bảo trình độ, tư cách đạo đức cần có biện pháp xử lý kiên quyết./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục