Đế chế Samsung trong "mắt bão"

15:12' - 01/11/2016
BNEWS Cú vấp Galaxy Note 7 đã khiến Samsung lao đao về việc giữ uy tín thương hiệu và khắc phục hậu quả sự cố
Lợi nhuận của Samsung trong quý III/2016 giảm mạnh do sự cố Note 7. Ảnh: EPA

Không khó để nhận thấy thị trường điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu chia làm ba mảng chính và Samsung Electronics Co Ltd đang dẫn đầu mảng lớn nhất là smartphone chạy hệ điều hành Android (87,6%), so với iOS (11,7%) và Windows Phone (0,4%).

Con số trên (của quý II/2016) phần nào cho thấy tầm vóc của "đế chế" điện tử đến từ Hàn Quốc này. Cải tiến của Samsung đối với smartphone được đánh giá là rất rõ để nhận thấy.

Trên chặng đường phát triển của Samsung với xuất phát điểm là “cục gạch” SH100 – điện thoại di động đầu tiên ra mắt năm 1988 với màn hình đơn sắc, Samsung giờ nổi lên với dòng sản phẩm Galaxy.

Samsung tiến từng bước vững vàng, bắt đầu từ những chiếc điện thoại đơn sắc chỉ hỗ trợ nghe gọi và đọc tin nhắn, tiếp đến là dòng điện thoại màn hình đa sắc mà bước ngoặt là điện thoại gập hai màn hình SCH-X430 (tháng 4/2002).

Năm 2005, Samsung tung ra SCH-B250 cho phép người dùng xem TV trên điện thoại. Các cải tiến cứ âm thầm diễn ra cho đến năm 2009, Samsung bắt đầu dấn thân vào thị trường màn hình AMOLED với việc cho ra đời SCH-W850 màn hình cảm ứng rộng và độ phân giải cao.

Và dòng sản phẩm mang tính bước ngoặt nhấn đậm thương hiệu Samsung hiện nay là Galaxy mà đầu tiên là Galaxy S ra đời tháng 6/2010 – smartphone chạy trên nền tảng Android.

Thống kê mới nhất của cơ quan nghiên cứu thị trường IDC (Mỹ) tính đến quý II/2016, cho thấy Samsung hiện vẫn trụ vững ngôi vị số 1 trên thị trường smartphone toàn cầu với 22,8% thị phần.

Mặc dù xuất hiện các lo ngại cho rằng “miếng bánh” của Samsung có thể bị đe dọa bởi các đối thủ ngày càng lớn mạnh như Huawei, Oppo, Vivo và bước tiến vững chãi trong phong độ của Apple, nhưng đây có lẽ là lo xa, bởi Samsung dường như luôn có các "con bài" hiệu quả.

Samsung những năm gần đây luôn bỏ cách đối thủ một khoảng đủ an toàn để gìn giữ vị trí đầu bảng. Quý II/2016, thị phần của "Trái táo khuyết" - đứng thứ hai - chỉ là 11,7%.

Nếu như trong ngành đồ uống không cồn, “trận so găng thế kỷ” giữa Coca-Cola và Pepsi luôn được lấy làm ví dụ điển hình về tính cạnh tranh thì trên thị trường smartphone, cuộc đua giữa Samsung và Apple dường như là “thỏi nam châm” có sức hút mạnh nhất đối với tín đồ yêu công nghệ.

Theo tính toán, trung bình cứ mỗi năm một lần Apple tung ra sản phẩm mới nhằm "xốc" lại thị phần thì đó cũng là lúc người ta ngóng đợi xem Samsung sắp cho ra mắt “siêu phẩm” gì.

Thứ mà người ta chờ đợi từ Samsung để chiêm ngưỡng và trải nghiệm luôn là một ẩn số, hứa hẹn có bước đột phá bất ngờ về cả thiết kế lẫn tính năng.

Và “cú vấp” mới đây của Galaxy Note 7 - được cho là đối trọng với phiên bản iPhone mới nhất của Apple - liên quan đến sự cháy nổ pin được cho là “cơ hội vàng” để Apple giành thị phần từ Samsung.

Samsung đã cho thu hồi Note 7 trên toàn cầu. Ảnh: Reuters

Mặc dù đã có những dự báo cho thấy lợi nhuận của Samsung sẽ vơi đi đáng kể trong thời gian tới do sự cố Note 7, nhưng uy tín và chính sách khắc phục hậu quả hậu sự cố của họ có thể là yếu tố giúp Samsung vượt qua thời gian này một cách êm xuôi.

Có lẽ cũng chính chiến lược kinh doanh “trứng bỏ nhiều giỏ” phần nào là “tấm đệm” hữu hiệu giúp Samsung hạ cánh an toàn trong mọi tình huống và vẫn vững chỗ đứng trên thị trường ngày càng nghiệt ngã này.

Samsung thâm nhập vào mọi thị trường đồ gia dụng, từ điện thoại đến TV, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa bát..., bất cứ sản phẩm gì thiết yếu với người tiêu dùng. Đây là một quy mô mà hiếm ai có thể “bao sân” rộng như Samsung.

Được sáng lập bởi Chủ tịch Lee-Byung-chul vào năm 1938, Samsung khởi đầu là một công ty nhỏ với chỉ 40 nhân viên chuyên sản xuất và phân phối hàng hóa tại thành phố Deagu (Hàn Quốc).

Đến năm 1960, “ông hoàng” này đã thật sự “bén duyên” công nghệ với sản phẩm đầu tay là chiếc Tivi đen trắng. Khi ấy Samsung mới chỉ là kẻ "hậu bối" và phải đứng sau rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác như Sony, Toshiba, Sharp, Hitachi... (đều của Nhật Bản).

Tuy nhiên, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ cùng cuộc “đại cách mạng” trong chính sách quản lý của Chủ tịch đời thứ hai là Lee Kun Hee (con trai Chủ tịch Lee-Byung-chul), Samsung đã có cú bứt phá mạnh mẽ để trở thành thương hiệu số một Hàn Quốc và vươn tầm ra thị trường quốc tế.

Số liệu chính thức mới nhất cho thấy doanh thu quý II/2016 của Samsung đạt 50.940 tỷ won (45,2 tỷ USD), tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận hoạt động đạt 8.140 tỷ won (7,22 tỷ USD), tăng 18% so với cùng kỳ năm 2015. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục