Đề nghị bổ sung vào Luật Doanh nghiệp các quy định cụ thể về thủ tục đăng ký vốn ban đầu

11:47' - 09/05/2025
BNEWS Đề nghị bổ sung vào Luật Doanh nghiệp các quy định cụ thể về thủ tục đăng ký vốn ban đầu như: điều kiện, hồ sơ, định giá tài sản…để tăng tính minh bạch và có sự kiểm tra chặt chẽ ngay từ bước ban đầu.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 9/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật, có một số ý kiến cho rằng, hiện nay việc đăng ký vốn, tăng vốn điều lệ không chặt chẽ dẫn đến nhiều trường hợp các công ty tăng vốn “ảo” trước khi trở thành công ty đại chúng hoặc thành lập doanh nghiệp để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước, vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ như trong thời gian vừa qua.

 

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Luật Doanh nghiệp các quy định cụ thể về thủ tục đăng ký vốn ban đầu như: điều kiện, hồ sơ, định giá tài sản… để tăng tính minh bạch và có sự kiểm tra chặt chẽ ngay từ bước ban đầu; đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp nêu trên tại thời điểm hết thời gian cam kết góp vốn, như: bổ sung giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức góp vốn, bảo đảm khả năng chi trả và góp đủ số vốn đăng ký, tăng vốn để hạn chế tình trạng này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong bối cảnh thực hiện định hướng khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân của Đảng và Nhà nước đòi hỏi sự quyết liệt trong cải cách thể chế trên nền tảng đổi mới tư duy, cải cách mạnh mẽ nền hành chính hướng đến phục vụ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất không bổ sung quy định về tăng thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp dẫn đến tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp mà cần quy định các nội dung tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nhằm thực hiện công tác hậu kiểm hiệu quả vì việc quy định các giấy tờ chứng minh năng lực tài chính khi thực hiện các thủ tục về thành lập, góp vốn thành lập doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp là chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra, việc yêu cầu chứng minh năng lực tài chính khi tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp cũng đã từng có giai đoạn được pháp luật yêu cầu khi thành lập doanh nghiệp nhưng không khả thi, gây cản trở đến quyền thành lập doanh nghiệp nên đã bị bãi bỏ.

Cùng với đó, việc đổi mới phương thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” trong đăng ký thành lập doanh nghiệp là kinh nghiệm tốt của nhiều quốc gia trên thế giới và phù hợp với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Do vậy, nội dung nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm “hậu kiểm” thông qua việc quản lý, giám sát đối với quá trình góp vốn, tăng giảm vốn góp và phương án xử lý trong trong trường hợp vi phạm là nội dung sẽ được Bộ Tài chính tăng cường thực hiện trên cơ sở thu thập thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp; đồng thời, giao trách nhiệm cho các địa phương thực hiện.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn xây dựng dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Về các quy định liên quan đến “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp”. Dự thảo Luật quy định khái niệm về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp của doanh nghiệp” theo hướng chung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp của doanh nghiệp là tương đồng với quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp của khách hàng là tổ chức”; quy định nghĩa vụ chung của doanh nghiệp và trách nhiệm của Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thu thập, kê khai, cập nhật, lưu giữ, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp của doanh nghiệp, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp của doanh nghiệp là phù hợp với định hướng đổi mới trong xây dựng luật.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn chủ thể doanh nghiệp cần kê khai trên cơ sở tối ưu hóa thông tin khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; rà soát quy định chuyển tiếp bảo đảm hợp lý, khả thi đối với doanh nghiệp được thành lập trước thời điểm Luật này có hiệu lực…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục