Xu hướng huỷ niêm yết doanh nghiệp do tài phiệt Nhật Bản sáng lập

12:56' - 08/05/2025
BNEWS Hiện nay, các gia đình tài phiệt tại Nhật Bản đang có xu hướng tìm cách tư nhân hóa và hủy niêm yết các doanh nghiệp do họ sáng lập.
Kế hoạch trị giá 42 tỷ USD của ông Akio Toyoda nhằm mua lại Toyota Industries Corp. là minh chứng rõ nét nhất cho một xu hướng ngày càng gia tăng này.

Gia đình Ito, sở hữu 8% cổ phần của công ty Seven & i Holdings Co., đã thất bại trong nỗ lực dàn xếp một thương vụ thâu tóm nhà bán lẻ này. Gia đình sáng lập của nhà phát triển phần mềm Fuji Soft Inc. cũng đã cố gắng mua lại công ty này cùng với quỹ đầu tư Bain Capital, nhưng không thành công.

 
Trong khi đó, gia đình Uehara đã mua lại công ty dược phẩm Taisho Pharmaceutical Holdings Co. vào năm ngoái. Gia đình sáng lập ra nhà sản xuất đồ dã ngoại Snow Peak Inc. cũng đã tư nhân hóa công ty này vào năm 2024, nhằm thúc đẩy chiến lược mở rộng.

Mong muốn hủy niêm yết của các gia đình sáng lập xuất phát từ sức ép ngày càng tăng mà các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải đối mặt từ các nhà đầu tư và nguy cơ bị thâu tóm. Một hướng dẫn của chính phủ được đưa ra vào năm 2023 đã khiến các công ty niêm yết khó có thể thẳng thừng từ chối bất kỳ đề xuất thâu tóm nghiêm túc nào. Ngoài ra, Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo đã thúc đẩy các công ty tập trung hơn vào yêu cầu của cổ đông.

Ông Hidenori Yoshikawa, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Daiwa, cho biết, chi phí của việc niêm yết đã tăng lên. Thêm vào đó, nỗi lo sợ bị thâu tóm đang gia tăng trong các công ty Nhật Bản sau khi tập đoàn Alimentation Couche-Tard Inc. của Canada đưa ra một lời đề nghị mua lại Seven & i Holdings.

Ông Tetsuro Ii, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Commons Asset Management, nhận định trường hợp của Seven & i Holdings cho thấy ngay cả khi là một công ty trị giá 5.000 tỷ yen, bạn vẫn có thể trở thành mục tiêu thâu tóm.

Seven & i Holdings, chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven phổ biến khắp đất nước đã được ông Masatoshi Ito xây dựng thành một đế chế toàn cầu. Mặc dù gia đình Ito nắm giữ cổ phần lớn nhất trong công ty, sự tham gia của họ vào công ty đã giảm sút.

Ông Yoshiki Nagata, Giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư enTorch Capital Partners, lưu ý các giám đốc điều hành hiểu rõ họ không thể kiểm soát một công ty khi chỉ nắm giữ một lượng nhỏ cổ phần, ví dụ như 5%.

Động lực tư nhân hóa không chỉ giới hạn ở các gia đình sáng lập. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, số lượng các thương vụ mua lại tại Nhật Bản đã tăng gần 50% lên 37 vụ vào năm ngoái. Tốc độ này vẫn không thay đổi trong năm nay, với 10 thương vụ tương tự đã được công bố tính đến giữa tháng Tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục