Để phát triển ngành du lịch Tây Ninh bền vững và lâu dài

19:44' - 31/07/2017
BNEWS Ngày 31/7, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo quốc tế "Du lịch Tây Ninh tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển" với mục tiêu phát triển ngành du lịch tỉnh bền vững và lâu dài.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTT và Du lịch, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho biết, Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dân số trên 1,1 triệu người; đường biên giới dài 240 km giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia với 16 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát.

Đây là những cửa ngõ quan trọng nối Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi kết nối phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Trong đó có ngành du lịch gắn với các địa danh nổi tiếng như Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tòa thánh Cao Đài, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, sông Vàm Cỏ Đông...

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, Tây Ninh xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế quan trọng.

Những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đề ra giải pháp phát triển du lịch, đạt được một số kết quả như: Khách tham quan tại các khu, điểm du lịch tăng 3,2%/năm, khách lưu trú tăng 6,7%/năm; doanh thu du lịch tăng 13,8%/năm; ngành du lịch đóng góp vào GRDP của tỉnh 2,75% nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của ngành du lịch Tây Ninh.

Nguyên nhân được cho là do định hướng phát triển du lịch của tỉnh chưa rõ, thiếu tính chiến lược lâu dài, cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu, phát triển chậm và chưa đồng bộ, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa phong phú, đa dạng, chất lượng sản phẩm thấp..., ông Phạm Văn Tân nói.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Du, Trường Chính sách công và Quản lý Đại học Fulbright Việt Nam thẳng thắn cho rằng, tiềm năng du lịch Tây Ninh là rất lớn, khí hậu tốt cho ngành du lịch, có thể kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng dịch vụ du lịch tại Tây Ninh như khách sạn, nhà hàng, phòng trà, nhà hát, rạp chiếu phim... còn quá bình dân, quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân địa phương và khách vãng lai; dịch vụ vui chơi giải trí không nhiều.

Các Công ty du lịch, nhà tổ chức, vận hành tour còn thiếu chuyên nghiệp, yếu về năng lực quản lý và tài chính; nhân lực ngành du lịch còn thiếu và yếu cả về chuyên môn lẫn khả năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và bán hàng...

Vì này, ngành du lịch Tây Ninh khó thu hút khách tiềm năng và khách nước ngoài đến tham quan du lịch, lưu trú ở địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Tây Ninh có 9 loại sản phẩm du lịch cần xây dựng và phát triển.

Đó là xây dựng thành phố Tây Ninh có nhiều cây xanh, trồng cây bản địa và các góc phố văn hóa, danh nhân để làm sự kiện lễ hội hàng năm; kêu gọi đầu tư tập trung vào phân khúc khách sạn 4 và 5 sao để thu hút khách lưu trú; quan tâm đào tạo tiếng Anh cho lớp trẻ, chuẩn bị hội nhập ASEAN và quốc tế.

Tỉnh cần bảo tồn Tòa thánh Cao Đài - công trình văn hóa khác biệt với khu vực và thế giới để thu hút khách du lịch quốc tế; phát triển vườn dược thảo để xuất khẩu và phục vụ tại chỗ cho du khách.

Đồng thời, phát triển Farm Stay, du lịch sinh thái, dịch vụ spa, lễ hội, hội chợ dược thảo quốc tế của Tây Ninh và Đông Nam Bộ; phát triển du lịch sinh thái, tâm linh Núi Bà, Ma Thiên Lãnh, nghỉ dưỡng, resort trên Núi Bà; khôi phục và phát triển làng nghề, ẩm thực, sản phẩm lưu niệm địa phương…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị Tây Ninh cần thiết tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế để quy hoạch, phát triển ngành du lịch một cách bền vững và lâu dài.

Đồng thời chú trọng đầu tư khai thác du lịch sinh thái, du lịch dược liệu, kết nối và khai thác hiệu quả các điểm du lịch văn hóa, truyền thống, tâm linh như Tòa thánh Cao Đài, Núi Bà, Hồ Dầu Tiếng, Trung ương Cục miền Nam, du lịch qua đường bộ Việt Nam - Campuchia.

Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ công chức và người dân về du lịch; kêu gọi nhà đầu tư chiến lược có uy tín đầu tư vào du lịch với phương châm: "Nhà đầu tư có quyền lợi, tỉnh có quyền lợi, người dân cũng sẽ có quyền lợi"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục