Đề ra chính sách ổn định thị trường vàng

12:11' - 11/11/2024
BNEWS Hàng loạt vấn đề liên quan đến quản lý thị trường vàng đã được đại biểu Quốc hội đặt ra với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trong phiên chất vấn sáng 11/11.

* Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chỉ còn 3-4 triệu đồng

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) chất vấn về việc thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp bàn về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, tác động đến giá vàng và thị trường vàng trong hiện tại và tương lai.

 

Cho rằng, vừa qua việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, bình ổn giá vàng được người dân rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)  chất vấn "nếu người dân muốn bán vàng do nhu cầu để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không mua. Mặt khác, Ngân hàng chỉ bán vàng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sao không bán khắp cả nước cho dân có nhu cầu mua để thuận lợi, dễ dàng?"

Giải đáp về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng nằm trong diễn biến chung như các nước trên thế giới. Ngân hàng Nhà nước tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 24 và thực hiện các giải pháp ổn định thị trường vàng từ năm 2013. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao. Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp, nhưng từ tháng 6/2024 giá vàng của quốc tế thì lập đỉnh cao. Trước khi can thiệp, giá vàng vào khoảng 2.300 - 2.400 USD/ounce, chênh lệch giá vàng giữa trong nước và quốc tế tăng cao, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt.

Căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu - giải pháp đã thực hiện khá hiệu quả trong năm 2013, nhưng trong bối cảnh mới, giá vàng của quốc tế lập đỉnh rất cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng dâng lên rất cao, vì thế Ngân hàng Nhà nước cũng cân nhắc, đầu tiên thực hiện can thiệp qua 9 phiên đấu thầu.

Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao, để thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC.

"Nhờ cách thức can thiệp này, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đang ở chỗ từ 15-18 triệu đồng/lượng chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên thị trường vàng vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp và chúng ta là nước không sản xuất vàng cho nên việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng quốc tế, diễn biến sẽ khó lường và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến này để đưa ra các chính sách ổn định thị trường vàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Về việc ngân hàng chỉ bán mà không mua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cung vàng miếng ra thị trường vì Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh nhu cầu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại. Trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu thực hiện giải pháp để tăng cung vàng.

Đối với hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng, đã có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. Các ngân hàng và doanh nghiệp này vẫn mua bán vàng bình thường. Câu chuyện doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân "có thể vì một vài lý do nào đấy để cân đối tiền".

Lý giải việc chỉ bán ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, "Tư lệnh" ngành Ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán miếng, chứ không có quy định bắt buộc phải ở địa điểm nào. Bản thân các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá trên nhu cầu ở các tỉnh, thành phố và mở các địa điểm mua bán vàng miếng.

Qua tổng hợp từ chi nhánh các tỉnh, thành phố cho thấy nhu cầu mua bán vàng chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Các tỉnh, thành trong cả nước hầu như không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng.

Tranh luận thêm với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, ngân hàng chỉ bán vàng miếng mà không mua, ở ngoài thị trường vàng cũng không mua vàng miếng, như vậy họ sẽ bán "chợ đen". Tại sao bán mà không mua để thuận lợi cho dân. Người dân đã mua vàng miếng của ngân hàng, bây giờ cần tiền, bán lại, Ngân hàng cũng cần phải mua lại. "Lượng vàng trong dân rất nhiều, người ta cần bán ra lại không mua. Tôi thấy đây là điểm rất bất hợp lý, đề nghị ngân hàng có quan tâm", đại biểu nói.

Làm rõ thêm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, các tổ chức tín dụng vừa qua thực hiện theo chỉ đạo, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để bình ổn thị trường vàng, và chỉ mua. Vàng không như ngoại tệ, việc kiểm định chất lượng và hàm lượng vàng rất khó khăn. Các tổ chức tín dụng cũng sẽ phải đầu tư trang thiết bị, con người để nhận biết, tránh rủi ro khi tham gia bình ổn thị trường vàng nhưng lại gặp rủi ro về chất lượng vàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc. Khi tổng kết Nghị định 24 và tới đây những đề xuất mới về thị trường vàng miếng, sẽ có giải pháp để xử lý vấn đề này.

Một lần nữa, bà Hồng nhấn mạnh, 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp có chi nhánh mua bán và các địa điểm giao dịch ở rất nhiều nơi, việc các tổ chức, doanh nghiệp này không mua vàng có thể do một số nguyên nhân, đặc biệt là biến động của thị trường vàng rất cao. Vừa qua, giá vàng thế giới tăng cao rồi lại xuống, việc bán hay mua doanh nghiệp phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro.

Vì vậy, đối với mặt hàng vàng, Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến cáo đây là một mặt hàng biến động rất khó lường, phức tạp, đầu tư đối với mặt hàng này sẽ chịu rủi ro và có thể mất tiền khi mua bán.

*Chứng minh nguồn gốc vàng

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết, trước Kỳ họp thứ 7, cử tri Tây Ninh kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng là chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đề nghị cho phép doanh nghiệp tự kê khai hàng hóa tồn kho.

Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc. Thống đốc trả lời, khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu trách nhiệm kê khai vốn theo quy định. Ngoài ra, Nghị định 24 quy định doanh nghiệp kinh doanh vàng phải chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng chứng từ.

Theo ông, hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay là doanh nghiệp tư nhân được nâng cấp từ các cửa hàng lên, thủ tục đăng ký hết sức đơn giản, chỉ điền thông tin vào một biểu mẫu và họ phải chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản của mình. Thường do tế nhị, trước đây họ không ghi hết tài sản của mình.

Do đó, nhiều loại vàng, nhất là những tài sản do cha ông để lại không thể chứng minh được nguồn gốc. Cũng bởi thành lập từ những cửa hàng kinh doanh gia đình, nên họ làm theo thói quen vốn có và có sai sót trong sổ sách, chứng từ.

"Khó khăn phải chứng minh nguồn gốc là có thật và rộng khắp cả nước", khẳng định điều này, đại biểu chất vấn "với tinh thần chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, Thống đốc có thể tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp để tháo gỡ những khó khăn này không?".

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị định 24 đã quy định rất rõ trách nhiệm các bộ, ngành đối với chức năng quản lý nhà nước về hoạt động vàng. Liên quan những vấn đề kế toán, chứng từ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục trao đổi với các bộ, ngành chức năng về vấn đề này.

Trả lời đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) về quan điểm thành lập sàn giao dịch vàng, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, một số nước trên thế giới có thành lập sàn vàng, như Trung Quốc thành lập sàn vàng rất lớn ở Thượng Hải. Song, trong khu vực cũng có những nước không thành lập sàn vàng.

Việc thành lập sàn vàng có những mặt tích cực, các giao dịch sẽ được minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể sẽ được thuận lợi hơn, nhưng đi kèm với đó phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng nên khi giao dịch có thể phải nhập từ thị trường quốc tế.

"Để thành lập sàn vàng, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất với Chính phủ ở một thời điểm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam" bà Hồng nói.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục