​Đề xuất 3 vấn đề cốt lõi để hạn chế rủi ro phát sinh từ hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo

19:46' - 06/05/2025
BNEWS Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 6/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các đại biểu cho rằng, cơ chế tài chính của Nhà nước cần đóng vai trò như “bà đỡ” trong việc sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng các tổ chức khoa học và công nghệ đạt chuẩn quốc tế; đồng thời đề xuất 3 vấn đề cốt lõi để hạn chế rủi ro phát sinh từ hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đề xuất 3 vấn đề cốt lõi để hạn chế rủi ro phát sinh từ hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ảnh: Công Tuyên - PV TTXVN
* Chú trọng bảo vệ bí mật công thức, công nghệ

Thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất, việc xây dựng dự án luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Theo đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh), chương II dự thảo Luật có những quy định về sử dụng ngân sách nhưng chỉ quy định về việc sử dụng ngân sách của những đề tài sử dụng ngân sách nhà nước; đề nghị bổ sung thêm quy định cả những đề tài không sử dụng ngân sách nhà nước.

"Hiện nay, trong y khoa có rất nhiều đề tài nghiên cứu đa quốc gia. Ví dụ như các công ty lớn, công ty dược có những nghiên cứu đa quốc gia, họ liên kết với Bệnh viện Chợ Rẫy hay Đại học Y dược hoặc Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai... và hỗ trợ toàn bộ chi phí. Theo tôi, nên quy định bổ sung quy định về nhiệm vụ không sử dụng ngân sách nhà nước vào chương này", đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị.

Liên quan về doanh nghiệp khoa học và công nghệ được quy định tại khoản 2, Điều 37, đại biểu Hà Phước Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài quy định các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, đề nghị bổ sung cụm từ "khu công nghệ thông tin tập trung" hoặc "khu công nghệ số tập trung" để đồng bộ với Luật Công nghệ thông tin vừa được thông qua và dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Bên cạnh đó, đại biểu Hà Phước Thắng nhấn mạnh: "Trong các các nghĩa vụ của mình, việc bảo vệ bí mật công thức, công nghệ là nội dung hết sức quan trọng, do đó, đề xuất bổ sung vào khoản 6, Điều 41 về nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ trong việc bảo vệ bí mật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Về quy định liên quan đến tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Dương Bình Phú (Phú Yên) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định về cơ chế tài trợ linh hoạt, cho phép các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được nhận tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư.

Đồng thời, cơ chế tài chính của Nhà nước cần đóng vai trò như “bà đỡ” (cơ chế hợp tác công - tư, công - công) trong việc sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng các tổ chức khoa học và công nghệ đạt chuẩn quốc tế; tạo điều kiện cho các tổ chức nghiên cứu được phát triển toàn diện, bắt kịp xu thế làm chủ công nghệ và phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Cho rằng các quy định hiện tại về hỗ trợ, tài trợ nghiên cứu còn "rườm rà và hạn chế tính tự chủ" của tổ chức nghiên cứu, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định để đơn giản hóa thủ tục tài trợ, áp dụng cơ chế “tài trợ theo kết quả đầu ra” và khuyến khích hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

* Cân bằng giữa khuyến khích sáng tạo và trách nhiệm xã hội

Nhất trí cao với các quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, đây là quy định cần thiết bởi đổi mới sáng tạo luôn luôn đi kèm với những rủi ro ngẫu nhiên và có cả rủi ro cao, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Trà Vinh, Điện Biên, Cao Bằng và TP Cần Thơ thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Tuy nhiên, để tránh cơ chế này bị lạm dụng, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ, bảo đảm cân bằng giữa khuyến khích sáng tạo và trách nhiệm xã hội đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án.

Từ đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh, dự thảo Luật phải quy định chặt chẽ ba vấn đề cốt lõi. Đó là về phạm vi rủi ro được chấp nhận, Luật chỉ nên áp dụng cho rủi ro phát sinh từ hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo có tính đột phá, không lường trước được, không do cố ý hoặc thiếu trách nhiệm. Không nên áp dụng đối với các rủi ro phát sinh từ hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo gây thiệt hại đến môi trường hay sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, các dự án được hưởng cơ chế “chấp nhận rủi ro” phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá rủi ro định kỳ.

Cùng với đó, cần quy định danh mục các lĩnh vực ưu tiên phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đi kèm với việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro theo từng lĩnh vực.

“Quy định nội dung “chấp nhận rủi ro” là cần thiết để thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhưng phải đi kèm các điều kiện chặt chẽ về phạm vi, trách nhiệm pháp lý, giám sát đạo đức, và cơ chế chia sẻ rủi ro. Chúng ta tuyệt đối không biến cơ chế này thành tấm lá chắn an toàn cho hành vi thiếu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có ý định lợi dụng để trục lợi chính sách, gây thất thoát ngân sách và ảnh hưởng đến uy tín các nhà khoa học chân chính”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu.

Đồng quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nêu rõ, chấp nhận rủi ro là cần thiết để khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhưng cần tránh lạm dụng, làm thất thoát ngân sách. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị xem xét bổ sung quy định về quy trình đánh giá, xác định rủi ro ngay trong dự thảo Luật thay vì giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục