Đề xuất 6 nhóm chính sách khi xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế

20:29' - 03/04/2024
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong nội dung của luật, để đảm bảo làm sao thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng luật, tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp lớn đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh theo định hướng hiện nay.

Đây cũng nội dung được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chia sẻ tại họp báo Chính phủ diễn ra tại Hà Nội ngày 3/4.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Bộ Tư pháp để có ý kiến thẩm định, sau đó sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện đề xuất đối với việc xây dựng dự thảo luật này. Ở bước này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong nội dung của luật, để đảm bảo làm sao thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nhưng đồng thời, cũng đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh...

Trước tiên là nhóm chính sách hỗ trợ cho các dự án để thực hiện được việc liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong phạm vi của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Việt Nam đã có kinh nghiệm và đã triển khai một số dự án như thế này ở một số khu, tuy nhiên chưa triển khai trên phạm vi rộng.

Nhóm chính sách thứ hai là nhóm chính sách hỗ trợ các loại hình khu công nghiệp có tính chuyên môn, tính chuyên biệt, tính đặc thù cao. Đơn cử như những loại hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái…

Các khu này có tính chất đặc thù và những chính sách ưu việt hơn. Do đó, cần phải có những tiêu chí, quy định để lựa chọn đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp này để đảm bảo việc phát triển mục tiêu của khu công nghiệp chuyên biệt.

 

Cùng đó, nhóm chính sách thứ ba là phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút được lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo… Đồng thời phải gắn với xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu vực này.

Bên cạnh đó là nhóm phát triển các khu đô thị có tính chất tổ hợp. Đó là những khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ; trong đó, lấy công nghiệp là mục tiêu chính, vừa tạo ra việc làm, vừa thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Theo đó, đô thị và dịch vụ là nơi vừa cung cấp các dịch vụ gia tăng, vừa là nơi sinh sống cho các chuyên gia, người lao động, tạo ra dịch vụ công cộng xã hội, cho cộng đồng, cho cả doanh nghiệp ở trong các khu công nghiệp này – Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho hay.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có đề xuất về các chính sách, quy định bổ sung ưu đãi liên quan đến thuế, phí, chính sách tài chính, vốn… đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái hoạt động trong khu công nghiệp chuyên biệt. Từ đó, đảm bảo khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư và phát triển khu công nghiệp này.

“Thông qua các chính sách này, chúng tôi nhắm đến việc điều chỉnh, thay đổi, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính. Đây là một trong những biện pháp mà Việt Nam vừa thử nghiệm, vừa có quy định mới để làm sao vừa tạo được thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư cho khu vực này. Đồng thời, đúc rút các bài học và kinh nghiệm, để giúp cho vấn đề lớn hơn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên cả nước” – Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định.

Tại cuộc họp báo, thêm một nội dung “nóng” được quan tâm dành cho Bộ Tài chính là việc quản lý, giám sát hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hoá đơn điện tử cho người mua hàng nếu không sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ, sau gần 4 tháng, đến ngày 2/4, toàn quốc đã có 15.931/15.935 cửa hàng đã thực hiện xuất hoá đơn bán hàng cho người dân. Hiện chỉ còn 4 cửa hàng ở vùng sâu vùng xa. Theo kế hoạch, trong tuần tới sẽ hoàn thành lắp đặt để đạt đủ 100% các cửa hàng xuất hoá đơn bán lẻ xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương cũng như các sở, ban ngành địa phương tiếp tục giám sát hoạt động các cây xăng trong việc xuất hoá đơn bán lẻ.

Nghị định về hoá đơn điện tử cũng như Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính cùng nền tảng pháp lý được thực hiện từ năm 2021. Đến nay, toàn bộ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cơ bản đã thực hiện 100% hoá đơn điện tử. Cơ quan thuế cũng đã có nền tảng công nghệ lưu giữ 7,5 tỷ giao dịch của người dân và doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay.

Ngành thuế cũng tham mưu Bộ Tài chính có các văn bản chỉ đạo toàn bộ hệ thống cơ quan thuế, phối hợp Sở Công Thương các địa phương triển khai đồng bộ 63 Cục thuế cũng như 115 Chi cục thuế giám sát chặt chẽ hoạt động của các cây xăng.

Cùng với việc các công ty công nghệ đã có giải pháp kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp xăng dầu, bản thân doanh nghiệp xăng dầu cũng đã nhận thức được ý nghĩa của quá trình chuyển đổi số nên đã đầu tư thích đáng cải tiến công nghệ tại các cây xăng.

Ngoài ra, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ của truyền thông cũng đã nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để người tiêu dùng hiểu về việc cần thiết xuất hoá đơn, thúc đẩy việc chuyển đổi số tại mỗi doanh nghiệp.

Qua đó, giúp cơ quan quản lý Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn mặt hàng xăng dầu và tạo điều kiện tăng cường quản trị lĩnh vực xăng dầu nói chung, chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Với kinh nghiệm này, thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục tham mưu, hỗ trợ Chính phủ trong việc quản lý chặt chẽ thương mại điện tử và triển khai hoá đơn điện tử với các hoạt động dịch vụ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục