Đề xuất chính sách mới phù hợp cho doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm

14:12' - 01/03/2018
BNEWS Việc ban hành các chính sách nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, công bằng và minh bạch có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố niềm tin của doanh nghiệp, thu hút đầu tư ngoài nước.

Tọa đàm chính sách mới đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 1/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức tọa đàm về Chính sách mới đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch VAFIE cho biết, cùng với tiến trình hội nhập, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những chuyển biến tiến bộ, phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế đất nước và các cam kết, thông lệ quốc tế.

Ông hy vọng rằng, từ tọa đàm này sẽ có những ý kiến trao đổi cởi mở, thẳng thắn về các chính sách mới đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm, đặc biệt là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh xuất nhập khẩu dược tại Việt Nam. Qua đó có những kiến nghị chính thức gửi tới các cơ quan quản lý xem xét để các chính sách mới khi được ban hành sẽ thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp với mục tiêu và quyết tâm đổi mới của Chính phủ.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp và các chuyên gia pháp lý, thương mại tham gia tọa đàm, một số quy định mới trong lĩnh vực dược phẩm như Nghị định 54/2017/ND-CP hướng dẫn thực hiện Luật Dược (Nghị đinh 54) và dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 còn có nhiều bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và các luật có liên quan; đồng thời có nhiều quy định can thiệp sâu vào hoạt động tự chủ của doanh nghiệp.

Chia sẻ về những cam kết WTO của Việt Nam về dịch vụ phân phối và một số dịch vụ phụ trợ, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, "Theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền tự quyết, tự chủ trong hoạt động kinh doanh của mình.

Như vậy, doanh nghiệp có quyền tự mình thực hiện các hoạt động hoặc ủy thác, thỏa thuận với các chủ thể khác thực hiện các hoạt động của mình, pháp luật không thể can thiệp vào quyền này của doanh nghiệp". Vì vậy, đại diện VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa lại Điều 3 dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 theo hướng bỏ tất cả các quy định bắt buộc về việc “phải trực tiếp” thực hiện các hoạt động liên quan tới phân phối.

Theo ông Chung Yee Seck, luật sư Công ty luật Baker & McKenzie và đại diện cho Tiểu ban pháp lý của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ, Nghị định 54 và dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc là những dịch vụ không bị cấm hay hạn chế bởi Luật Dược.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam không cho phép các văn bản pháp luật được áp dụng hồi tố, trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định trong Luật ban hành các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư quy định các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ Nghị định 54, tức ngừng các hoạt động bảo quản và vận chuyển thuốc ngay khi dự thảo này có hiệu lực.

Theo ông Chung Yee Seck, quy định này không chỉ trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, trái với tinh thần cởi mở của Luật Dược mà còn không phù hợp với nguyên tắc bảo hộ đầu tư theo Luật Đầu tư và nguyên tắc không hồi tố của Luật Ban hành các văn bản pháp luật và cam kết của Việt Nam gia nhập WTO.

Việc ban hành các chính sách nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, công bằng và minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh hiệu quả có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố niềm tin của doanh nghiệp, thu hút đầu tư ngoài nước và hội nhập với kinh tế quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục