Tận dụng các cơ hội từ các doanh nghiệp FDI mang lại

17:25' - 28/01/2018
BNEWS Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần triển khai nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về FDI để có những chính sách phù hợp...
Tận dụng các cơ hội từ các doanh nghiệp FDI mang lại. Ảnh minh họa: TTXVN
Khẳng định vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là nguồn lực bổ sung quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới, song nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, Việt Nam chưa tận dụng được hết các cơ hội từ hội nhập. Tính lan tỏa của khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. 
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay, quy mô FDI trong nền kinh tế khá lớn, nhưng giá trị gia tăng không cao. Phần lớn các nguyên liệu, phụ tùng phục vụ sản xuất cho các ngành sản xuất của doanh nghiệp FDI vẫn là nhập khẩu. Các trung tâm nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp FDI chưa được thành lập nhiều ở Việt Nam. Doanh nghiệp FDI vẫn tồn tại tương đối biệt lập với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa của FDI về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chất lượng giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế. 
Giải pháp rút ngắn khoảng cách giữa hai khối doanh nghiệp này, ông Lộc cho rằng, giai đoạn tới, cần cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng của dòng vốn FDI nhằm đón đầu xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. 
Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần triển khai nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về FDI để có những chính sách phù hợp, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, 
Muốn thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, cần có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh hơn, nhanh hơn để tiệm cận với doanh nghiệp nước ngoài. 
Bên cạnh đó, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cũng cho rằng, các chính sách thu hút FDI sẽ hướng tới các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghiệp cao. Đặc biệt, thu hút FDI cần phù hợp với từng ngành, khu vực về điều kiện kinh tế, địa lý, nhân lực và các tác động lôi cuốn các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 
“Chúng ta không thể kìm hãm hoặc không khuyến khích khối doanh nghiệp nước ngoài phát triển, mà phải gắn kết chặt chẽ hai khối doanh nghiệp này với nhau để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và cùng phát triển lớn mạnh. Đây sẽ là nguồn lực đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững”, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục