Đề xuất gần 280 tỷ đồng làm đường gom dân sinh cao tốc Liên Khương - Prenn

14:41' - 30/08/2024
BNEWS Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng đường gom dân sinh dọc tuyến cao tốc trên sẽ kết nối toàn tuyến đường gom song hành và các vị trí cống chui dân sinh hiện hữu.
Ngày 29/8, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường gom dân sinh dọc tuyến cao tốc Liên Khương – chân đèo Prenn (thành phố Đà Lạt) với tổng kinh phí 279,7 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện từ năm 2024 – 2027. Đường gom dân sinh cao tốc Liên Khương – chân đèo Prenn (các đoạn còn lại) có chiều dài khoảng 10km, theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, vận tốc thiết kế 40km/h. Hướng tuyến chủ yếu của đường gom dân sinh đi cùng mức với đường cao tốc hiện hữu, đi khác mức tại các vị trí cửa cống dân sinh hiện có.

 
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng đường gom dân sinh dọc tuyến cao tốc trên sẽ kết nối toàn tuyến đường gom song hành và các vị trí cống chui dân sinh hiện hữu. Từ đó giải quyết nhu cầu giao thông của nhân dân dọc hai bên cao tốc ra đường Quốc lộ 20. Đồng thời góp phần giải quyết tình trạng tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc trong thời gian qua do người dân phá giải phân cách, băng ngang trên cao tốc; phục vụ khai thác, sử dụng có hiệu quả tuyến đường cao tốc Liên Khương - chân đèo Prenn.

Đường cao tốc Liên Khương – chân đèo Prenn có chiều dài khoảng 19,2km được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng từng đoạn từ năm 2008. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho đến hiện tại. Tuy nhiên, dọc tuyến cao tốc này hiện chỉ có một số đoạn đường gom dân sinh, ảnh hưởng rất lớn đến việc giao thông phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

Ghi nhận trong nhiều năm qua, tình trạng người dân đi xe máy, máy cày trong phạm vi đường cao tốc Liên Khương – Prenn vẫn diễn ra thường xuyên. Thậm chí, một số đoạn cao tốc còn bị người dân phá hàng rào, dải phân cách để băng ngang để đi vào vùng sản xuất mỗi ngày, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục