Đề xuất giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả đường bộ cao tốc

15:31' - 08/06/2016
BNEWS Quản lý khai thác bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc là công việc mới mẻ nên đã nảy sinh nhiều khó khăn vướng mắc.
Quản lý khai thác bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc là công việc mới mẻ nên đã nảy sinh nhiều khó khăn vướng mắc. Ảnh: TTXVN

Tại hội thảo “Quản lý, khai thác đường bộ cao tốc - Một số vấn đề đặt ra", do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) phối hợp với báo Lao động tổ chức ngày 8/6 tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đã chỉ ra một số tồn tại của hệ thống đường cao tốc Việt Nam hiện nay.

Đó là hệ thống đường dân sinh, đường kết nối, trạm dịch vụ, hệ thống giao thông thông minh (ITS), các tuyến hoàn trả địa phương chưa xây dựng hoàn chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng...

Ngoài ra, trong quản lý, khai thác và bảo trì còn tồn tại các hành vi vi phạm trật tự, hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng, an toàn giao thông đường cao tốc như phương tiện thô sơ, xe máy, người đi bộ vào đường cao tốc; phá rào, lấn chiếm hành lang an toàn; bắt xe khách dọc đường; bán quán ven đường...

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đánh giá, hệ thống đường bộ cao tốc đã mang lại hiệu quả to lớn như giảm thời gian hành trình, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng tại nhiều vùng miền trên cả nước.

"Quản lý khai thác bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc là công việc mới mẻ nên đã nảy sinh nhiều khó khăn vướng mắc, vì vậy việc đánh giá thực trạng cũng như trao đổi thảo luận để đề ra những giải pháp thực tế góp phần giải quyết một cách có hiệu quả những hạn chế trong quản lý khai thác bảo trì đường bộ cao tốc" - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, bên cạnh những mặt tích cực và tính hiệu quả mà đường cao tốc đã mang lại thì trong công tác quản lý khai thác, vận hành bảo trì các tuyến đường cao tốc vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, bất cập, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, như thể chế chính sách, hệ thống biển báo, hệ thống kết nối với đường cao tốc.

Cụ thể, về thể chế chính sách: hệ thống quy định, quy trình liên quan đến tổ chức khai thác đường cao tốc hiện tại vẫn chưa được hoàn thiện và ban hành chính thức. Các tiêu chuẩn bảo trì, định mức bảo dưỡng, sửa chữa đường cao tốc... hiện tại chưa được ban hành, gây khó khăn cho đơn vị tổ chức quản lý khai thác.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ cao tốc Vũ Anh Tuấn nhận xét, mức độ ứng dụng ITS trên các tuyến đường cao tốc đang khai thác còn khiêm tốn. Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) cho quốc lộ và cao tốc trong năm 2016. Có 5/13 tuyến được xây dựng tuyến giám sát điều hành giao thông.

Dưới góc độ ý kiến địa phương được hưởng lợi từ khi có dự án cao tốc đưa vào khai thác, ông Nông Văn Hưng , Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai cho biết, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cần tăng cường bảo vệ trật tự an ninh, bảo vệ kết cấu hạ tầng.

Do hệ thống vẫn chưa hoàn thiện, ý thức người dân chưa cao nên người dân đi xe máy vào đường cao tốc vẫn xảy ra, đặc biệt là xe ôm, xe ô tô dừng đón trả khách không đúng nơi quy định.

Theo ông Nông Văn Hưng, nguyên nhân của hiện tượng trên là bởi quản lý chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp của các lực lượng có liên quan.

Ý thức của người dân hai bên đường chưa cao, không muốn đi qua đường gom cống chui mà tự ý cắt rào đi ngang qua đường, không nhận thức được mức độ nguy hiểm, vì lợi ích nhỏ của cá nhân mà xâm phạm tài sản nhà nước, cắt rào để qua đường làm nương rẫy…

Ông Vũ Quang Thái, Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát Giao thông đường bộ, cao tốc - Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, đi đôi với phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc tại Việt Nam thì việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc khi đưa vào khai thác, sử dụng cũng được đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, do sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đứng hai bên đường còn hạn chế, còn xảy ra tình trạng người dân cố tình phá hàng rào bảo vệ hai bên đường, hộ lan tôn lượn sóng, mở quán kinh doanh buôn bán…

Vì vậy, trong tương lai, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ông Vũ Quang Thái đề xuất, cần nghiên cứu ban hành hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc, phân công phân cấp rõ ràng trách nhiệm của các bộ ban ngành và các cấp trong công tác trong công tác xây dựng, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng và thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về đường cao tốc.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, để nâng cao hiệu quả thì không đưa vào khai thác các tuyến đường chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Đường cao tốc phải thông thoáng, không ùn tắc, nâng năng suất vận tải lên. "Một dừng" mà lại tắc như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang… thì không được.

Theo ông Trần Hữu Minh, đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, hiện nay tình hình trật tự an toàn giao thông trên một số tuyến đường giao thông diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, một số trường hợp đã có dấu hiệu hành vi chuyển từ vô thức sang có kế hoạch, có chuẩn bị như ném đá trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đây là những hành vi nguy hiểm, gây bức xúc trong dư luận, cần có sự xử lý kịp thời.

Ngoài ra, ông Trần Hữu Minh cho rằng, các hành vi như đón trả khách trên đường cao tốc, việc người dân tự ý vượt rào, xe đón khách trên đường cao tốc là vi phạm nghiêm trọng nhưng có thể được giải quyết nếu tăng cường quản lý, xử phạt; cân nhắc, quy hoạch các vị trí đón trả khách theo giờ, đáp ứng một phần nhu cầu của người dân mà vẫn đảm bảo tính an toàn.

Tuy nhiên, nếu tổ chức điểm dừng đón trả khách quá nhiều trong cùng một khung giờ cũng ảnh hưởng đến mục tiêu an toàn và nhanh trên đường cao tốc. Cần cân nhắc cho trả khách với các điểm cụ thể trên tuyến nhưng phải quy hoạch một cách hợp lý, tránh gây hỗn loạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục