Đề xuất giải pháp xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hướng tới Net Zero

14:09' - 19/12/2024
BNEWS Thực hiện nông nghiệp “Net Zero” giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm.

Xây dựng chuỗi giá trị bền vững không chỉ bao gồm sản xuất, mà còn mở rộng từ khâu chế biến, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm. Để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 thì sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân là yếu tố then chốt.

 

Đó là nhận định của ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ tại diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tại thành phố Cần Thơ sáng 19/12.

Cam kết của Việt Nam tại các Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) và lần thứ 28 (COP28), cùng với các định hướng chiến lược và chính sách giảm phát thải đã thúc đẩy các ngành kinh tế phải chuyên đổi theo hướng xanh và bền vững. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp được xác định là trụ cột quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Giống như hầu hết các nước trên thế giới, trong cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam, ngành nông nghiệp chiếm tới 43% tổng lượng phát thải quốc gia (chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường). Đây cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng từ tác động của biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, thực hiện nông nghiệp “Net Zero” giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm. Song song với đó, doanh nghiệp sản xuất - thương mại sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn chung trong sản xuất, sản phẩm... theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, giá trị thương hiệu tăng, dễ thâm nhập các thị trường có giá trị cao.

Do vậy, chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và phát thải thấp là sự lựa chọn được ưu tiên hàng đầu, đồng thời cũng là cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh đã được ban hành như: Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 và đặc biệt là Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trương xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Các chủ trương này đã và đang tạo nên những chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.

Với vị thế là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, thành phố đã tích cực triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn và hữu cơ, tập trung giảm phát thải khí metan trong sản xuất lúa gạo.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - Trần Việt Trường cho biết, đối với nông nghiệp hữu cơ, tuy không phải là địa phương nằm trong Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Chính phủ, nhưng thành phố Cần Thơ vẫn quyết tâm hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên 4.000 ha lúa; 1.300 ha cây ăn trái và 150 ha rau màu. Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế và các đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp và khai thác và sử dụng nguồn rơm từ quá trình sản xuất lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, một trong những giải pháp đột phá để giảm phát thải là áp dụng mô hình tín chỉ carbon. Đây không chỉ là công cụ thúc đẩy giảm thiểu phát thải mà còn tạo ra nguồn thu mới cho người nông dân thông qua giao dịch tín chỉ.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc công ty cổ phần Tiến Thành - Tô Thái Thịnh, cho rằng người nông dần phải thay đổi nhận thức trong sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, loại bỏ sử dụng hóa chất không được phép sử dụng. Từ đó mới tạo được sản phẩm đúng chất lượng, đáp ứng được thị trường xuất khẩu.

Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành, các nhà quản lý, các chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân đã thảo luận, gợi mở các giải pháp, kiến nghị đề xuất những giải pháp xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Bà Huỳnh Kim Định, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển nông thôn chia sẻ về thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp xanh, hướng tới nông nghiệp Net Zero. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN 
Theo bà Huỳnh Kim Định, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng tiêu chí hướng dẫn cụ thể. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất, kết hợp với cơ chế tín chỉ carbon sẽ là chìa khóa để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là các yếu tố quan trọng giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Với các ý kiến chia sẻ về chuyên môn, đề xuất các giải pháp thiết thực từ các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân có kinh nghiệm và cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần tăng tốc sớm đạt được mục tiêu Net Zero trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục