Đề xuất giải pháp xử lý rác thải nhựa, xây dựng kinh tế tuần hoàn

15:31' - 10/06/2021
BNEWS Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn.

Hiệp hội Môi Trường Đô Thị và Khu Công nghiệp Việt Nam, Chuyên trang Quản lý môi trường thuộc Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam phối hợp cùng Công ty Informa Markets Vietnam tổ chức hội thảo trực tuyến "Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam".

GS. TS khoa học Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới vẫn đang đối mặt với các thách thức về rác thải nhựa, hội thảo này sẽ nhằm cập nhật các thông tin mới nhất về giải pháp công nghệ xử lý và tái chế rác thải; đồng thời hướng tới ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất nhựa về cơ bản đã được xây dựng bao gồm: Chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào;

Chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế...); chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế)...

Tuy nhiên, hệ thống chính sách này vẫn còn những bất cập, chưa phát huy được hết tác dụng trong việc thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn. Hơn nữa, cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn thiếu và chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý chất thải rắn.

Cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi ni lông thân thiện với môi trường; ni lông khó phân hủy còn thấp nên chưa tác động nhiều tới việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông khó phân hủy.

Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần quản lý theo hướng tiếp cận theo vòng đời sản xuất nhựa, lấy kinh tế tuần hoàn nhựa làm trung tâm, từ đó đưa ra hình thức, phương pháp can thiệp vào mỗi giai đoạn, cụ thể bằng những quy định, cơ chế, chính sách trong sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm nhựa.

Đồng thời, Việt Nam cần khuyến khích, hỗ trợ việc tái sử dụng, tái chế; thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải.

Đề xuất thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tăng cường tái chế rác thải nhựa, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ giải pháp từ nâng cao đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.

Cụ thể như: Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn; xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới;

Điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; đổi mới công nghệ... Hơn nữa, các doanh nghiệp cần xây dựng Chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn…

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã trao đổi một số vấn đề chính như: Thực trạng thu gom rác thải trong đó có rác thải nhựa: Khó khăn và các kiến nghị; mối nguy hại của hạt vi nhựa và đề xuất giải pháp quản lý ô nhiễm vi nhựa hiệu quả;

Nhựa - thành phần có giá trị cao trong rác thải - góc nhìn từ giải pháp xử lý rác thải đến từ Cộng hòa liên bang Đức; khái quát công nghệ thu gom rác thải nhựa trên sông nhằm mang đến cho độc giả một bức tranh toàn cảnh về tình hình rác thải nhựa hiện nay và các định hướng cụ thể cho doanh nghiệp trong tương lai.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã trao đổi và đề xuất các giải pháp xử lý rác thải nhựa như: Thay thế túi ni lông và các sản phẩm như dùng một lần, nghiên cứu các chất phụ gia để giảm thời gian phân hủy rác thải nhựa; đốt chất thải nhựa để phát điện; tái chế rác thải nhựa thành vật liệu mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục