Đề xuất hỗ trợ giáo viên các trường tư thục bị mất việc, ngưng việc do COVID-19

12:59' - 02/07/2020
BNEWS Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề xuất bổ sung đối tượng hỗ trợ là giáo viên các trường tư thục bị mất việc, ngưng việc do dịch với nguồn kinh phí từ gói 62 nghìn tỷ.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề xuất bổ sung đối tượng hỗ trợ là giáo viên các trường tư thục bị mất việc, ngưng việc do dịch với nguồn kinh phí từ gói 62 nghìn tỷ.

Thị trường lao động sẽ phục hồi nhanh chóng

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về lĩnh vực lao động, việc làm, trong khi các nền kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng tồi tệ, kéo theo chuỗi cung ứng về việc làm bị gián đoạn, tỷ lệ thất nghiệp các nước đang rất cao.

Trong khi đó, thị trường lao động Việt Nam quý II năm 2020 có những diễn biến phức tạp. Số lao động duy trì ở mức 52,1 triệu người, giảm 2,2 triệu so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng là 2,26 %, so với cuối năm 2019 là 1,98%. Một số lĩnh vực du lịch, hàng không, dịch vụ, người lao động Việt Nam ở nước ngoài gần như không được triển khai trong quý II.

"Song cho đến nay, có thể thấy, bức tranh thị trường lao động Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng, khả quan. Nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu vui" - Bộ trưởng đánh giá.

Chỉ riêng trong tháng 6, Việt Nam có thêm 120 nghìn lao động được giải quyết việc làm. Các ngành nghề, lĩnh vực bị ngưng việc nay đã trở lại thị trường. Chỉ riêng lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có 1.400 lao động trở lại làm việc bình thường. Đây là một tín hiệu vui. Dự báo, thị trường lao động Việt Nam quý III chắc chắn tốt hơn.

Trong quý III, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội dự kiến đạt mức 55,4 triệu người lao động, tương đương đầu quý I năm 2020. Mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn bởi số người lao động sẽ quay lại ở mức trung bình khoảng 40 đến 50 nghìn người. Số lao động quay lại thị trường sẽ duy trì ở mức 80 - 90 nghìn người.

Về người lao động ở nước ngoài, trong quý II, hầu như không giải quyết được, nhưng sang đầu tháng 7 chắc chắn sẽ khởi sắc bởi vì sau khi khôi phục kinh tế và thống nhất một số nước, chúng ta sẽ giải quyết tăng thêm khoảng 10 - 10,5 % lực lượng lao động có việc làm.

Một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao là thương mại điện tử tăng đột biến với các đơn hàng trực tuyến; vận chuyển, lắp ráp linh kiện điện tử, dự báo tăng khoảng 31.000 lao động.

"Về vấn đề lao động, việc làm, quý II chúng ta mới là thử thách ban đầu, chủ yếu do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, mất việc, ngưng việc tạm thời nhưng chúng ta sẽ có nhiều chủ trương, chính sách trong quý III, đầu quý IV" - Bộ trưởng cho biết.

Đề xuất hỗ trợ giáo viên các trường tư thục bị mất việc, ngưng việc

Về thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về gói an sinh xã hội,  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các địa phương, các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt, cụ thể.

Đến hết tháng 6, các địa phương đã phê duyệt danh sách người hỗ trợ 15,8 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng hưởng với tổng kinh phí 17,5 nghìn tỷ.

Thống kê số liệu của Kho bạc Nhà nước các địa phương, đã giải ngân 11,2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 11 triệu người và 6.196 hộ kinh doanh tập trung lao động bị tạm hoãn, hợp đồng lao động, lao động không có giao kết hợp đồng, lao động mất việc, lao động tự do cùng với các nhóm đối tượng yếu thế, cận nghèo, người nghèo, người có công,...

Đến ngày 30/6 có 1.591 đơn vị sử dụng lao động được thực hiện chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất với 138 ngàn người, kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Đến ngày 24/6, có 531 nghìn người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp và đã chi 6.374 tỷ đồng, 250 nghìn người bán vé xổ số được hỗ trợ trong thời gian vừa qua.

Về nhận xét chung cho thấy, các địa phương đã chủ động triển khai gói hỗ trợ. Hầu hết cấp ủy, chính quyền đều văn bản chỉ đạo nhiều địa phương. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nam, Lai Châu,...

"Đến nay, cơ bản các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đã được phê duyệt và hỗ trợ, nhất là các nhóm đối tượng đông, cơ bản nhất. Một số địa phương gặp khó khăn về tài chính nhưng cũng đã dành quan tâm những đồng tiền cuối cùng để triển khai" - Bộ trưởng cho biết.

Với đối tượng lao động tự do - đối tượng khó khăn nhất, Chính phủ rất quan tâm, nhiều địa phương, nhất là thành phố lớn quan tâm hỗ trợ. Như Thành phố Hồ Chí Minh, riêng về lao động tự do đã hỗ trợ 153/184 nghìn người (85%); lao động tạm hoãn hợp đồng 36 ngàn người (85 %);

Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, các địa phương, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Tổng đài 111 hoạt động 24/24h, tiếp nhận trên 50 ngàn thông tin. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành, đoàn thể đã tiến hành kiểm tra, giám sát 30/63 tỉnh, thành phố.

"Cơ bản, chúng ta thực hiện công khai, minh bạch và đúng đối tượng.  Chúng ta phải khẳng định rằng các gói hỗ trợ được quốc tế và trong nước, nhất là nhân dân ghi nhận đồng tình, ủng hộ. Qua đó cho thấy, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Chính phủ nâng lên. Đây là cái được lâu dài, không gì bằng được niềm tin của nhân dân. Đây là cái rất vô giá" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nêu lên một số khó khăn, hạn chế trong thời gian qua như: đối tượng hỗ trợ đa dạng, dễ trùng lắp. Một số địa phương do sợ sai nên thận trọng nên dẫn đến chậm triển khai, do đó ảnh hưởng đến ý nghĩa, tính kịp thời của hỗ trợ.

Một số địa phương khó khăn, do đó có những đối tượng phê duyệt rồi nhưng chưa được hỗ trợ. Bên cạnh đó, gói 16.000 tỷ đồng do Ngân hàng chính sách triển khai, hiện nay đang gặp khó khăn trong tiếp cận, bởi vì tiêu chí đưa ra quá cao.

Từ đó, Bộ trưởng đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng thêm một đối tượng. Đó là giáo viên các trường tư thục - những người đã mất việc làm, ngưng việc làm nhưng chưa được nằm trong diện hỗ trợ. Bộ trưởng đề xuất kinh phí nằm trong gói 62 nghìn tỷ.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị điều chỉnh trong gói 16.000 tỷ cho vay doanh nghiệp vay để trả lương, trong đó đề nghị điều chỉnh là bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu. Bởi nếu không có nguồn thu, doanh nghiệp gần như phá sản, giải thể, không có khả năng đăng ký hỗ trợ.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh trong thời gian ngắn nhất, đồng thời cho doanh nghiệp vay cho đến hết tháng 12 năm 2020 để kích cầu tiêu dùng, sản xuất./.

>>>Cách tính chế độ làm việc, nghỉ hè với giáo viên trong thời gian phòng chống dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục