Đề xuất phân lại vùng kinh tế theo phương án nào là hợp lý?

11:38' - 13/08/2018
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thay đổi cách phân chia 6 vùng kinh tế như hiện tại và chia thành 7 vùng kinh tế mới


Rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN

Chuẩn bị cho Luật Quy hoạch có hiệu lực (từ 1/1/2019), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các phương án phân lại vùng kinh tế trên cả nước.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thay đổi cách phân chia 6 vùng kinh tế như hiện tại và chia thành 7 vùng kinh tế mới; trong đó, giữ nguyên vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long.

Tách vùng Trung du miền núi phía Bắc thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị. Nhập các tỉnh Lâm Đồng (của Tây Nguyên), Bình Thuận, Ninh Thuận (ở Duyên hải Nam Trung Bộ) vào vùng Đông Nam Bộ hiện nay.
Cùng với đó, thành lập vùng Nam Trung Bộ, bao gồm tỉnh Thừa Thiên - Huế, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).
Ngoài ra, còn có 2 phương án phân vùng khác gồm: giữ nguyên 6 vùng như hiện tại và phương án có 6 vùng kinh tế nhưng sắp xếp lại các tỉnh trong mỗi vùng. Theo đại diện Viện Chiến lược phát triển, trong 3 phương án trên, phương án xây dựng 7 vùng kinh tế được đề xuất lựa chọn cho giai đoạn 2021-2030.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, theo Luật Quy hoạch, cả nước sẽ có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; trong đó, quy hoạch vùng có vị trí vai trò quan trọng, giúp cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn; xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng; nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là phương án mang tính đổi mới. Phương án này đã tính đến các yếu tố thị trường trong việc phân vùng, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài; đồng thời, phương án này hướng tới tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập một cách hiệu quả.

Quy mô vùng vừa phải, khoảng cách giữa các địa phương trong vùng không quá lớn, thuận lợi cho việc hợp tác, quản lý phát triển.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cách phân chia 6 vùng kinh tế - xã hội đã hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn vừa qua nhưng bộc lộ nhiều hạn chế trước bối cảnh mới trong nước, quốc tế và khu vực. Các hạn chế bộc lộ như liên kết nội vùng ở một số vùng còn yếu.
Còn phương án phân chia thành 7 vùng kinh tế mới đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài. Phương án này hướng tới tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập một cách hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Báo cáo nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 đang được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục