Đề xuất phương pháp mới tính phí bảo hiểm nông nghiệp ở ĐBSCL

18:29' - 06/12/2019
BNEWS Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long dưới góc nhìn kinh tế học là nội dung chính của Hội thảo quốc tế về kinh tế và kinh doanh do Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 6/12.
Thu hoạch lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN
Đề cập đến vai trò và phương pháp tính phí bảo hiểm cây nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm tác giả Nguyễn Văn Tạc, Nguyễn Tri Khiêm (Đại học Nam Cần Thơ) cho rằng: Đây là cây nông nghiệp chủ lực của vùng, nhưng thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro do thời tiết và bệnh dịch khiến người nông dân không yên tâm canh tác.

Mặc dù bảo hiểm nông nghiệp là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm chia sẻ bớt những thiệt hại, nhưng đến nay công cụ này vẫn chưa phát huy hiệu quả bởi nông dân vẫn cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng phương pháp tính phí chưa hợp lý.

Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng phương pháp tính phí của Clarke. Phương pháp này đã được thực hiện cho chương trình bảo hiểm nông nghiệp quốc gia sửa đổi tại Ấn Độ với số người tình nguyện tham gia bảo hiểm ngày càng tăng.

Đây là phương pháp dựa trên các chỉ số năng suất ngưỡng, năng suất dự kiến, mức bồi thường, tỷ lệ phí thuần và tỷ lệ phí thương mại… của cây lúa ở từng địa phương cụ thể.

Ngoài ra, bàn về phương pháp gia tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa, tác giả Ngô Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ) cho biết, hiệu quả lợi nhuận trung bình của nông hộ trồng lúa hiện đang ở mức 70,39%, có nghĩa là có thể gia tăng thêm 29,1%. Đáng lưu ý, các yếu tố như: giá phân, quy mô đất, trình độ học vấn của chủ hộ, tập huấn kỹ thuật… có tác động tích cực đến hiệu quả lợi nhuận của nông hộ.

Theo nhóm tác giả này, đối với các nông hộ thì yếu tố quan trọng nhất chính là học vấn và kỹ thuật bởi đã qua rồi thời “không biết làm gì mới đi làm nông”. Hiện nay, người nông dân cần học tập để nắm bắt các kỹ thuật mới, công nghệ mới để “làm nông 4.0” với cơ giới hóa, công nghệ tự động, thiết bị cảm biến thông minh, điện thoại điều khiển từ xa…

Về vấn đề tín dụng, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp từ các ngân hàng đối với các nông hộ, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những nông hộ càng ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng thì lại càng gia tăng chi phí và giảm lợi nhuận.

Tác giả Cao Văn Hơn (Đại học An Giang) cho biết, những yếu tố như: giá trị đất, thu nhập, học vấn, giới tính... của chủ hộ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bị hạn chế tín dụng của nông hộ.

Khi nông hộ bị hạn chế tín dụng, họ lập tức gia tăng lượng vốn phân bổ cho các yếu tố đầu vào như: phân bón, thuê lao động..., trong khi đó chi phí cho các yếu tố về giống và thuốc bảo vệ thực vật lại không giảm, dù đã quá liều lượng…

Với kết quả khảo sát này, nhóm nghiên cứu đề xuất cần có những lớp tập huấn để bà con nông dân biết cách điều tiết và quản trị nguồn vốn vay một cách khoa học. Qua đó gia tăng cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, với các gói tín dụng dành cho hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, việc chuyển đổi mô hình canh tác là xu hướng tất yếu và rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Tuy nhiên, người nông dân có sẵn sàng và nhanh chóng chấp nhận chuyển đổi mô hình hay không phụ thuộc vào “hệ số e ngại rủi ro” hay nói cách khác là thái độ đối với rủi ro.

Tác giả Lê Văn Dễ (Đại học Cần Thơ) chia sẻ: Qua nghiên cứu cho thấy, phần lớn nông hộ thuộc nhóm sợ rủi ro, chiếm đến 67,33%. Con số này có giá trị cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách khi triển khai các kế hoạch chuyển đổi mô hình canh tác. Đó là cần triển khai nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền giúp nông hộ tiếp cận đầy đủ thông tin thị trường, tư vấn và hỗ trợ xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý đáp ứng nhu cầu thị trường…

Về định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, các tác giả đề cập đến vai trò của việc xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị cho sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của các địa phương.

Phân tích mô hình chuỗi giá trị sen tỉnh Đồng Tháp, tác giả Võ Thị Bé Thơ (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang) cho biết, hiện các hộ trồng sen theo phương pháp truyền thống đang đứng trước nguy cơ ngày càng giảm lợi nhuận do những rủi ro dịch bệnh trên cây sen, giá thành giảm vì sản xuất ồ ạt, thiếu thông tin thị trường…

Chỉ có những hộ nhanh nhạy tìm tòi sáng tạo những sản phẩm mới lạ từ sen, ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại để sản xuất hàng loạt với bao bì đẹp… mới có thể “ăn nên làm ra” từ sen.

Từ thực trạng trên, tác giả đề xuất cần có cơ chế chính sách cũng như tuyên truyền để các nông hộ ý thức được tầm quan trọng của việc liên kết ngang với nhau và liên kết dọc với doanh nghiệp để tạo chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ; tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” sẽ dẫn tới xé lẻ thị trường và cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cần mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ Blockchain vào truy xuất nguồn gốc để gia tăng giá trị cho mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương.

Về xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương nói riêng và xây dựng thương hiệu quốc gia cho địa phương nói chung, tác giả Phạm Trung Hiếu (Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ) đề cập đến việc xây dựng thương hiệu địa phương của thành phố Cần Thơ là đô thị du lịch miệt vườn sông nước.

Như vậy, những việc cần làm là quảng bá các loại hình du lịch mang đậm bản sắc của địa phương, ứng dụng các mô hình kinh tế nhằm gia tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch như: định hình các sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch..., nhưng không “bê tông hóa” mà phải theo hướng bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên bản địa, đưa sản vật địa phương lên bàn tiệc cùng với những “câu chuyện văn hóa vùng sông nước”…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục