Đề xuất thêm nguồn lực tập trung phát triển logistics

19:27' - 29/01/2024
BNEWS Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) góp ý, việc phát triển đồng bộ và kết nối giữa bộ 3 chiến lược để tạo sự chủ động trong chuỗi cung ứng là hết sức quan trọng.

Liên quan tới dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương chủ trì và đang lấy ý kiến khảo sát từ các tập thể, đơn vị và tổ chức có liên quan, ông Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch VLA đề xuất, cần thêm nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy, phối hợp giữa các cơ quan liên quan để cùng tập trung phát triển logistics. Thêm vào đó, cần đề cao vai trò của Tổng cục Thống kê trong việc tính toán, cung cấp các số liệu thống kê, chỉ tiêu về ngành để thống nhất các số liệu đầu vào, giúp ích cho các hoạt động chung hiệu quả, cũng là định hướng rõ ràng khi báo cáo các cơ quan nhà nước.

 

Theo ông Trung, nhận định các xu hướng trong ngành logistics đã thay đổi và nâng tầm, nên việc phát triển chuỗi cung ứng và xu hướng xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu. Do đó, cần giải pháp đồng bộ từ nâng cao nhận thức, ưu đãi thuế quan, khuyến khích và đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế về phát triển các xu thế này như logistics xanh hay giảm phát thải…

Góp ý cho chiến lược, ông Trung cho rằng, các khái niệm mới, vấn đề mới cần được đưa thêm vào chiến lược như khái niệm” logistics ngược” hay vấn đề mới như xung đột Biển Đỏ tác động tới ngành logistics như thế nào cũng cần được đặt ra, xem xét.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) góp ý, việc phát triển đồng bộ và kết nối giữa bộ 3 chiến lược để tạo sự chủ động trong chuỗi cung ứng là hết sức quan trọng. Theo đó bao gồm: Chiến lược cảng nước sâu và cảng trung chuyển quốc tế, Chiến lược phát triển khu thương mại tự do (FTZ) và Chiến lược kết nối vận tải chủ động bao gồm phát triển đội tàu container quốc tế của Việt Nam và đội tàu bày hàng hóa (air cargo).

Ngoài những nội dung chuyên môn, Phó Chủ tịch VLA Lê Quang Trung lưu ý, Hiệp hội Logistics Việt Nam là hiệp hội quốc gia và được giao nhiệm vụ chủ trì việc xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh doanh nghiệp theo Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Vì thế, VLA cần được phân công cụ thể trong chiến lược là: “VLA chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Liên quan tới các chương trình hành động tại Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, VLA đề xuất nên đặt ngay vấn đề tổ chức thành công Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) –  FIATA World Congress 2025 (FWC 2025). Đây là hoạt động nâng cao vị trí và cơ hội cho ngành logistics Việt Nam, bởi bên cạnh các giải pháp dài hạn luôn cần những giải pháp ngắn hạn trước mắt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục