Gia tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics

07:00' - 16/01/2024
BNEWS Ngành logistics Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động.

Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics; đứng ở vị trí 43 về chỉ số hiệu quả logistics (LPI). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam thuộc nhóm 5 nước đứng đầu cùng với Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Còn theo Bảng xếp hạng về chỉ số thị trường mới nổi của  Agility - nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới, Việt Nam hiện thuộc Top 10/50 thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu. Riêng về tiêu chí cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng thứ 4 và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Điều này tiếp tục khẳng định, dư địa phát triển của ngành logistics rất lớn, vấn đề chỉ là môi trường và chính sách nào sẽ được tập trung thúc đẩy trong tương lai.

Nhìn vào thực trạng hiện nay, ông Lê Duy Hiệp phản ánh: Có một bất cập lớn là chi phí logistics tại Việt Nam trung bình đang chiếm từ 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của thế giới là 10,6%. Hạ tầng logitics tại Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối…

Sự liên kết giữa các phương thức vận tải, năng lực vận tải thủy còn thấp; vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ tới 73%. Tiếp đó là vận tải đường thủy nội địa với 21,6% tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong khi vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2%, đường sắt 0,2% và đường hàng không 0,01%. Điều này cũng làm cho chi phí logistics tăng cao, góp phần giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Cùng chung nhận định với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistisc Việt Nam, Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới còn ghi nhận, ngành dịch vụ logistics Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực của nhà cung ứng, khả năng chuyển đổi số vẫn ở mức thấp. Hầu hết doanh nghiệp logistics vẫn ở trong giai đoạn đầu của việc số hóa quy trình hoạt động và chưa thực sự quan tâm đầu tư đúng mức tới vấn đề này.

Mặc dù, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng Chiến lược phát triển logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó lồng ghép nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số ngành logistics; đồng thời có Nghị quyết số 163/NQ-CP về đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và đem lại giá trị cho cộng đồng kinh doanh ngành này, đòi hỏi quyết tâm cao của các cơ quan hữu quan và đặc biệt là sự hưởng ứng của chính các doanh nghiệp logistics.

Bà Nguyễn Thị My Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Dịch vụ Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương cho hay, doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn vào chiến lược phát triển hệ sinh thái logistics tại Việt Nam. Thời gian tới đây, doanh nghiệp sẽ đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng logistics tại một số địa điểm cụ thể để phục vụ mục tiêu, tầm nhìn và sứ mệnh của mình; trong đó, bao gồm cả việc thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản trong nước. Doanh nghiệp sẽ dựa vào lợi thế cạnh tranh, năng lực và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực logistics, khai thác hạ tầng tại một số cửa khẩu quốc tế. Qua đó, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh đa dạng, nâng cao năng lực của đội ngũ và mức độ áp dụng khoa học kỹ thuật để khai thác tối ưu thế mạnh của ngành logistics.

Hiện nay, dù hệ thống đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhưng trong nhiều năm qua vẫn chưa phát huy được lợi thế và vai trò là một trong các tuyến đường logistics chính phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc - các nước ASEAN.

"Việc hướng tới phục hồi và khai thác hiệu quả hệ thống đường sắt Việt Nam cũng sẽ là một trong những sứ mệnh mà doanh nghiệp đang quyết tâm thực hiện. Nếu có thể kết nối tuyến đường sắt Việt Nam với Trung Quốc, một trong những hệ thống đường sắt quy mô và phát triển bậc nhất thế giới với lưu lượng hàng hóa lưu thông cực lớn hiện nay thì chắc chắn sản lượng xuất nhập khẩu của Việt Nam, với tất cả các loại hàng hóa qua loại hình logistics đường sắt và đa phương thức sẽ tăng, chi phí logistics sẽ giảm đáng kể. Đây sẽ là cơ hội lớn, không chỉ của riêng Xuân Cương, mà còn đối với rất nhiều doanh nghiệp logistics khác hiện nay", bà Nguyễn Thị My Hương bày tỏ.

Đội ngũ doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics cũng ngày càng tăng về số lượng và mở rộng hơn về quy mô. Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), để phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh của ngành này, trong tương lai cần có cơ chế hỗ trợ hơn nữa giúp các doanh nghiệp logistics gia tăng cạnh tranh trong khu vực và trên thị trường vận chuyển quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục