Đến năm 2025 Tp. Hồ Chí Minh sẽ ngầm hóa 500 km lưới điện trung thế

18:14' - 15/01/2021
BNEWS Ngày 15/1, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trong giai đoạn tới (2021 - 2025), Ban chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông đặt mục tiêu ngầm hóa 500 km lưới điện trung thế đến năm 2025.

Cụ thể, ông Bành Đức Hoài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cho biết, Tổng công ty phối hợp với các chủ đầu tư mương cáp viễn thông (Viettel, VNPT, FPT, SCTV, Tradincorp) hoàn tất các dự án có trong danh mục ngầm hóa khởi công giai đoạn 2018 - 2020 đã được UBND Tp. Hồ Chí Minh thông qua, chuyển tiếp thực hiện sang giai đoạn 2021 - 2025.

Các chỉ tiêu thực hiện gồm ngầm hóa 500 km lưới điện trung thế, 800 km lưới điện hạ thế, hướng tới mục tiêu ngầm hóa lưới điện trung thế trên địa bàn thành phố đến năm 2025 là toàn thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa từ 50-60%; trong đó, các quận nội thành đạt tỷ lệ ngầm hóa từ 80-90%, riêng các Quận 1, 3, 5 đạt tỷ lệ ngầm hóa xấp xỉ 100%; các quận còn lại đạt tỷ lệ ngầm hóa từ 60-80%.

Để triển khai tốt hơn việc ngầm hóa trong thời gian tới, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh đề nghị Ban chỉ đạo ngầm hóa của Thành phố cần kiện toàn bộ máy tổ chức để  phối hợp được thuận lợi, có kế hoạch hành động hiệu quả trong giai đoạn 2021 - 2025, phải được ban hành chậm nhất vào tháng 6/2021. Kế hoạch cần gắn với kế hoạch chỉnh trang đô thị của thành phố.

Ông Hoan lưu ý, Ban chỉ đạo ngầm hóa cần ưu tiên ngầm hóa trên các tuyến đường của thành phố Thủ Đức, cố gắng hoàn tất trong 5 năm tới.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu phải khẩn trương xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành của thành phố và giữa các đơn vị quản lý hạ tầng và các chủ đầu tư, các đơn vị thi công; trong quy chế phải có nhắc đến sự phối hợp trong quản lý hạ tầng sau ngầm hóa.

Về quy hoạch hạ tầng ngầm, ông Võ Văn Hoan đề nghị, Sở quy hoạch Kiến trúc phối hợp, trao đổi với các đơn vị trong Ban chỉ đạo ngầm hóa để nghiên cứu, hoàn thiện đề cương quy hoạch không gian xây dựng ngầm, trình UBND thành phố.

Theo ông Bành Đức Hoài, Phó Tổng giám đốc EVN HCMC, thành phố cần xây dựng quy hoạch không gian ngầm đô thị, làm cơ sở cho các đơn vị quản lý hạ tầng; trong đó có ngành điện làm căn cứ triển khai thực hiện.

Ngoài ra, thành phố cần nghiên cứu áp dụng công nghệ 3D GIS trong quản lý hạ tầng ngầm, phục vụ cho dữ liệu không gian dùng chung của thành phố, tạo thuận lợi cho quá trình thiết kế, thỏa thuận tuyến để đến giai đoạn thi công hạn chế đầu tư chồng chéo, không đồng bộ.

Còn theo ông Hoàng Quốc Trường, Phó Giám đốc VNPT Tp. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn tới, việc ứng dụng công nghệ số vào việc lập kế hoạch, theo dõi tiến độ, giải quyết vướng mắc, quản lý hạ tầng ngầm hóa chung, tạo lập cơ sở dữ liệu cho hạ tầng số... sẽ nâng cao hiệu quả thực hiện ngầm hóa chung của thành phố.

Cũng trên nền tảng số hóa hạ tầng ngầm, VNPT Tp. Hồ Chí Minh đề xuất thúc đẩy triển khai rộng rãi các ứng dụng phản ánh hiện trường, phản ánh an ninh trật tự của người dân để góp phần bảo vệ an ninh hạ, nâng cao hơn nữa ý thức người dân trong việc góp phần vào chủ trương làm đẹp mỹ quan đô thị, nâng cao an toàn thông tin liên lạc phục vụ đời sống cho nhân dân.

Từ năm 2011 đến nay, Tp. Hồ Chí Minh đã hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 có 144 dự án ngầm hóa tại 121 tuyến đường được hoàn thành, với tổng khối lượng đạt 670 km lưới điện trung thế, 1.160 km lưới điện hạ thế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục