Dệt may, Thủy sản và ngành gỗ đối mặt rào cản từ EVFTA

19:47' - 03/12/2015
BNEWS Vấn đề về thuế sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn nhưng vấn đề và những rào cản kỹ thuật với một thị trường khó tính như EU chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn

Là một ngành có nhiều sản phẩm thường xuyên xuất khẩu sang thị trường EU, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho biết, đối với một số ngành như gỗ, việc xuất khẩu sang thị trường EU có những thách thức nhất định, đòi hỏi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật liên quan đến nguồn trình độ nguồn nhân lực, nguồn gốc nguyên liệu gỗ.

Trước đây, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu gỗ tự do ở 60 – 70 quốc gia trên thế giới còn nay nhập khẩu trong phạm vi hạn chế. Như vậy, nguyên liệu sẽ tăng lên, chi phí thời gian thu gom nguyên liệu tăng, tiền tàu bè cũng sẽ khó khăn hơn. EVFTA sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế, lên tới hơn 99% số dòng thuế. Nhờ đó sẽ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh trong đó có đồ gỗ.

Việc xuất khẩu sang thị trường EU  đòi hỏi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật liên quan nguồn gốc nguyên liệu gỗ. Ảnh:TTXVN

Theo ông Quyền, cùng với những hỗ trợ từ phía EU, Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao tiên tiến từ các nước EU. Tuy nhiên, khi Hiệp định có hiệu lực, thuế suất sẽ bằng 0, các sản phẩm thuế sẽ bằng 0 và như vậy các sản phẩm gỗ ở các nước khác sẽ vào Việt Nam, trong khi đó thị trường gỗ nội địa mình rất yếu. Đây là nỗi lo lắng không chỉ đối với của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay nói chung vàng ngành gỗ nói riêng.

Bày tỏ những giải pháp về việc chủ động thích ứng với EVFTA, ông Lê Văn Kiệt, đại diện Tổng Công ty CP Phong Phú cho hay, việc kết thúc đàm phán Việt Nam-EU mở cửa nền kinh tế sâu rộng sẽ tạo ra những cơ hội mới cho xuất khẩu. Qua đây, EVFTA còn giúp ngành dệt may trong nước cân bằng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhất định và bản thân doanh nghiệp cũng có lợi thế trung hạn so với các đối thủ trong khu vực khi đưa hàng vào EU.

Việc phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh lại hoạt động của mình. Mỗi doanh nghiệp sẽ phải tự xây dựng chuỗi cung ứng riêng hoặc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ đổ về Việt Nam nhiều hơn.

Từ nhiều năm nay, Phong Phú đã xây dựng được chuỗi khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may - hoàn tất sản phẩm dệt may và xuất khẩu. Để tận dụng lợi thế và đón đầu cơ hội tốt hơn, Công ty đã chuẩn bị các hoạt động từ đào tạo đội ngũ công nhân chuyên nghiệp, thuê chuyên gia nước ngoài, chuyên môn hóa máy móc, thiết bị, đầu tư mở rộng chuỗi khép kín nhằm tăng năng lực sản xuất...

Ngoài việc chủ động nguồn nguyên liệu của mình, Phong Phú còn liên kết tạo nguồn nguyên liệu, xây dựng vùng miền nguyên liệu với các doanh nghiệp trong công ty mẹ là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) để tạo chuỗi cung ứng, tạo năng lực đủ lớn nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

EVFTA sẽ giúp ngành dệt may trong nước cân bằng thị trường xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Là công ty có mặt hàng có nhiều lợi thế và chịu tác động của EVFTA là sản phẩm tôm, ông Võ Quang Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho rằng, vấn đề về thuế sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn nhưng vấn đề và những rào cản kỹ thuật với một thị trường khó tính như vậy chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn.

Để đáp ứng được điều đó, các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao năng lực trong việc quản lý, xây dựng hàng rào kỹ thuật cho mình. Với sự hội nhập ngày càng cao, không chỉ với EU mà với nhiều thị trường khác, nông dân, doanh nghiệp không thể trông chờ vào sự bảo hộ mãi của Nhà nước.

Họ phải tự mình đứng lên, tạo sức mạnh riêng cho mình để cạnh tranh. Để có sản phẩm chất lượng, người sản xuất, doanh nghiệp phải thay đổi thói quen sản xuất, phải sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp để có sự cạnh tranh lành mạnh.

Các sản phẩm thủy sản, cá tra là mặt hàng đã và đang được thị trường EU ưa thích. Ảnh:TTXVN

Trong các sản phẩm thủy sản, cá tra là mặt hàng đã và đang là mặt hàng được thị trường EU ưa thích. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, áp lực cạnh tranh với các loài cá thịt trắng khác tại thị trường EU, cộng với việc bị truyền thông “bôi bẩn” đã khiến hình ảnh cá tra Việt Nam bị ảnh hưởng, giá trị xuất khẩu vào thị trường này giảm.

Còn ông Lê Xuân Thịnh, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (Trường Đại học Bách Khoa) khẳng định, không thể phủ nhận cho đến nay EU vẫn đang và sẽ là thị trường quan trọng đối với cá tra Việt Nam. Sản phẩm cá tra thịt trắng, không tanh, giá trị dinh dưỡng cao, giá cả hợp lý đang chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.

Người tiêu dùng khu vực này rất đề cao sự công khai, minh bạch và trung thực về các thông tin, thành phần của sản phẩm. Một số thị trường giá cao khá nhạy cảm với các chất phụ gia, vấn đề xã hội, môi trường và danh tiếng của sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp khi hướng đến các thị trường giá cao, chất lượng cao phải bảo đảm sự công khai, minh bạch, trung thực thông tin sản phẩm trên nhãn mác, bao bì.

Theo TS. Đinh Thị Ninh Giang, Ban các vấn đề quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Khi Hiệp định có hiệu lực, độ mở cửa của Việt Nam tốt hơn, minh bạch hơn, các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thuế suất thấp hơn, giá nhân công rẻ hơn, vị trí địa lý phù hợp sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…

Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư mới, tạo thêm công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới, đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện nâng cao trình độ công nghệ, tạo khả năng cho Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu./.

Nhóm phóng viên BNEWS/TTXVN

Tin liên quan

  • Ngành thép hưởng lợi gì từ EVFTA Kinh tế Việt Nam

    Ngành thép hưởng lợi gì từ EVFTA

    19:27' - 03/12/2015

    Việt Nam chưa đẩy mạnh xuất khẩu được mà vẫn chỉ ở thị trường truyền thống các nước khu vực ASEAN. Cơ hội sẽ là rất lớn nhưng doanh nghiệp có nắm bắt được hay không mới là điều quan trọng.


Tin cùng chuyên mục