Dịch vụ chuyển phát đang là rào cản cho thương mại điện tử

13:37' - 10/11/2015
BNEWS Với hơn 35% dân số sử dụng Internet, mua sắm trực tuyến đang dần trở thành xu hướng tất yếu. Tuy vậy, sự phát triển của dịch vụ chuyển phát vẫn chưa theo kịp sự phát triển của bán lẻ trực tuyến.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến, kênh bán hàng trực tuyến đang mở ra cơ hội cũng như thách thức lớn cho các doanh nghiệp chuyển phát.

Đón bắt xu hướng này, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom) thì một số các doanh nghiệp chuyển phát đã tăng cường đầu tư để tận dụng những tiềm năng lớn từ thị trường thương mại điện tử. 

Chia sẻ tại hội thảo "Từ dịch vụ chuyển phát tới hoàn tất đơn hàng” do Hiệp hội Thương mại điện tử và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) tổ chức ngày 10/11, ông Hưng cho rằng, xu hướng của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đang hướng tới sự chuyên môn hóa cao. Người bán hàng tập trung nguồn lực vào các hoạt động dẫn người mua tới giao kết hợp đồng trực tuyến.

Cùng với đó, các dịch vụ liên quan như lưu kho, đóng gói, chuyển phát, thanh toán, nhận hàng trả lại…có thể thuê ngoài. Các dịch vụ này cơ bản gắn với việc hoàn tất hợp đồng trực tuyến và gọi là dịch vụ hoàn tất đơn hàng.

Do đó, mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà bán lẻ trực tuyến với các nhà cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng sẽ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong những năm tới. 

Ông Lê Đức Anh, chuyên viên Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Ông Lê Đức Anh, chuyên viên Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, nhấn mạnh thương mại điện tử không những là yêu cầu mà còn là công cụ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển phát hàng hóa và bưu kiện nói riêng cũng như hoạt động logistics (chuyển nhận kho vận) nói chung. Không những vậy, thời gian qua dịch vụ chuyển phát đã phát triển mạnh mẽ và bao phủ rộng khắp các tuyến xã trên cả nước.

Theo ông Lê Đức Anh, với 35 - 40% dân số sử dụng Internet hàng ngày, mua sắm trực tuyến đang dần trở thành xu hướng tất yếu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử và nhà chuyển phát phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, sự phát triển của dịch vụ chuyển phát vẫn chưa theo kịp sự mau lẹ của lĩnh vực bán lẻ trực tuyến. Đây là trở ngại lớn với thương mại điện tử. 

Với vai trò doanh nghiệp chuyển phát đồng hành cùng thương mại điện tử, theo bà Hà Thị Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện (VietNam Post)- Đơn vị thành viên của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thì công ty đã đầu tư mở rộng thị trường để hội nhập sâu và phát triển mạnh mẽ.

Không chỉ mở văn phòng và trung tâm khai thác có diện tích lớn, trang bị nhiều dây chuyền và thiết bị hiện đại nhất, cùng với các trạm trung chuyển tại các thành phố lớn, VietNam Post còn sắm thêm các phương tiện vận tải hiện đại. Khoản đầu tư này giúp cho VietNam Post đặt ra kỳ vọng sẽ chuyển hàng nhanh hơn để gia tăng thêm thị phần.

Mỗi năm công ty đã chi ra khoảng từ 3 - 5% doanh thu để đầu tư vào công nghệ, nhằm giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí vận chuyển đơn hàng.

Hiện VietNam Post đang đầu tư thử nghiệm hàng loạt máy quét mã vạch không dây (PDA) cho nhân viên và thiết bị quản lý phương tiện vận tải GPS để kiểm soát chất lượng vận chuyển, giúp tiết kiệm khoảng 10% chi phí xăng dầu. 

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Quản lý cấp cao của Vụ Bưu chính Bộ Thông tin Truyền thông, cho biết cùng với sự phát triển mạnh mẽ và hội nhập về chiều sâu, chiều rộng của thương mại điện tử Việt Nam kéo theo đó rất nhiều dịch vụ như chuyển phát, thanh toán, bảo mật…chất lượng dịch vụ chuyển phát cho thương mại điện tử hay dịch vụ hoàn tất đơn hàng luôn được coi là một trong những yếu tố then chốt có tác động rất lớn đến sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam.

Và, dịch vụ hoàn tất đơn hàng là một chuỗi các dịch vụ sau khi hợp đồng đã được giao kết trực tuyến gồm: lưu kho, đóng gói, vận chuyển, thanh toán, đổi trả hàng, chăm sóc sau bán hàng… 

Tuy nhiên, dù con số doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính đã lên tới hàng trăm nhưng thực tế, một số doanh nghiệp đã được cấp phép chưa hoạt động hoặc hoạt động không đúng mục đích.

Không những thế, có đơn vị chuyển phát chỉ làm thương mại, liên kết, hợp tác với một số đơn vị chuyển phát lớn rồi kinh doanh trực tuyến hoặc mở văn phòng giao dịch thu gom thư từ, bưu phẩm, bưu kiện…của khách hàng rồi chuyển tới đại lý.

Ngoài ra, chất lượng chuyển phát chưa cao cũng là một yếu tố quan trọng khiến cho giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể so với mua sắm truyền thống. 

Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, giới chuyên gia về thương mại điện tử cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát cần nâng cao năng lực với chất lượng cao và giá cạnh tranh qua việc mở rộng qui mô doanh nghiệp, đào tạo cán bộ lành nghề cũng như đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin điện tử.

Ngoài ra, phải có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các nhà bán hàng trực tuyến và công ty cung cấp dịch vụ chuyển phát để thúc đẩy dịch vụ theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp chuyển phát tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát tiến tới dịch vụ hoàn tất đơn hàng ngày càng hoàn thiện hơn./. 

Uyên Hương/BNEWS-TTXVN 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục