Đi lễ chùa dịp đầu năm - nét đẹp văn hóa

17:19' - 09/02/2019
BNEWS Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam từ xa xưa và luôn được lưu giữ cho đến hôm nay.

Những ngày Tết cổ truyền, đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và du khách thập phương đã đến thăm các di tích lịch sử văn hóa, các đình, chùa..., cầu nguyện quốc thái dân an trong năm mới Kỷ Hợi 2019.

Người dân đi lễ chùa cầu an đầu năm. Ảnh: Hằng Nga – TTXVN phát

Các điểm di lích lịch sử, các đình, chùa đón lượng lớn người dân và du khách đến thăm là: Hang Tám Cô (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch); khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Vũng Chùa-Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch); đền thờ Công chúa Liễu Hạnh (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch), chùa Kim Phong, núi Thần Đinh (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh), chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy)...

Đại đức Thích Khải Đạo, Giám tự chùa Hoằng Phúc cho biết: Từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đến nay đã có hơn 10.000 lượt người dân, du khách và phật tử đến tham quan, vãn cảnh chùa Hoằng Phúc và cầu phúc, cầu an cho bản thân, gia đình và đất nước.

Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam từ xa xưa và luôn được lưu giữ cho đến hôm nay. Nét đẹp đó thể hiện ở chỗ du khách, phật tử đến chùa trong những ngày đầu năm mới và cầu mong may mắn, tài lộc, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc, bình an, tâm đức thanh tịnh.

Trong dịp năm mới, tại chùa Hoằng Phúc có nhiều hoạt động được tổ chức chu đáo như: Lễ thắp nến hoa đăng, cầu nguyện hòa bình thế giới, chúng sinh an lạc, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Chùa cũng cử các phật tử, thanh niên phục vụ, tiếp đón người dân đến chùa một cách chu đáo, tận tình và đảm bảo sự thành kính, tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Chị Mai Phương, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đây là lần thứ hai chị đến tham quan tại chùa Hoằng Phúc. Đặc biệt năm nay, chị Mai Phương đến chùa từ ngày 30 tháng Chạp và ở lại đón Tết cổ truyền ngay trong chùa, cùng tham gia các hoạt động phước thiện, ý nghĩa cùng nhà chùa.

Đi lễ chùa trong những ngày Tết đến Xuân về là việc làm mà ông Lâm Quang Tý và những thành viên trong gia đình ông ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình luôn cố gắng duy trì và truyền dạy cho con cháu nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa của người Việt. Với ông Tý, năm mới đi chùa không chỉ cầu an, cầu phúc, cầu may mắn cho bản thân, gia đình mà còn mong những điều tốt đẹp đến với quê hương, đất nước.

“Năm mới Kỷ Hợi 2019, tôi mong tỉnh Quảng Bình, huyện Lệ Thủy, chùa Hoằng Phúc ngày càng phát triển bền vững... Cầu mong những điều bình an, hòa thuận đến với muôn nơi”, ông Tý bày tỏ.

Chùa Hoằng Phúc được xây dựng cách đây hơn 700 năm, khởi nguồn có tên là Am Tri Kiến. Đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất khu vực miền Trung nước ta hiện nay. Trải qua biến thiên của lịch sử, chùa được ghi nhận là nơi “vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh).

Có thể nói, chùa Hoằng Phúc là di sản của một trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt được cộng đồng dân cư mang theo trong quá trình di dân mở cõi phương Nam thời Lý – Trần, góp phần giữ gìn bản sắc Đại Việt khi đến vùng đất mới, để an cư lạc nghiệp.

Lịch sử ghi nhận chùa Hoằng Phúc từng đón nhiều vị vua đến thăm và cầu quốc thái, dân an. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phúc đức cho dân. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần đã ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.

Năm 2014, chùa được phục dựng theo lối giữ nguyên trạng chùa cũ với tổng số vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Chùa vẫn giữ được nét trầm mặc, cổ kính với những bức tường rêu phong tạo cảm giác an lạc cho du khách mỗi khi ghé thăm. Chùa đã được xếp hạng là Di tích quốc gia.

Đại Đức Thích Khải Đạo, Giám tự chùa Hoằng Phúc cho biết, vào ngày 23 và 24/2/2019 (tức ngày 19 – 20 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sẽ diễn ra.

Lễ hội sẽ có các hoạt động chính như: Lễ rước nước, khai mạc lễ hội, nghi lễ theo nghi thức Phật giáo, thả hoa đăng; tổ chức hoạt động về nguồn tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, miếu An Sinh - chùa Hoằng Phúc và các hoạt động thể thao, hát bài chòi...

Đặc biệt, tại lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc năm nay lễ cầu quốc thái dân an sẽ được đưa ra tổ chức ngoài sân khấu lớn và lần đầu tiên tổ chức lễ khai ấn Hoằng Phúc cổ tự.

Việc tổ chức lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc nhằm duy trì và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, văn hóa; đồng thời góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục