Đi tìm nguyên nhân gây lũ lụt tại Philippines

05:30' - 13/09/2024
BNEWS Thứ trưởng Bộ Môi trường Philippines Carlos Primo David cho biết đô thị hóa là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng lũ lụt tại nước này.

Theo bài phân tích mới đây trên Philippine Daily Inquirer, bão Enteng (tức bão Yagi) đã gây ra tình trạng lũ lụt lớn. Chỉ hơn một tháng trước, siêu bão Carina (tên quốc tế là Gaemi) cũng đã đổ bộ vào Philippines.

Nếu hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn được chỉ ra là thủ phạm chính gây ra lũ lụt trong siêu bão Carina, thì lần này, sự chú ý tập trung vào quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Đây được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng lũ lụt lớn, đặc biệt ở các khu vực cao ráo.

Văn phòng Phòng vệ Dân sự Philippines cho biết, hầu hết các trường hợp tử vong do bão Enteng là do lở đất và đuối nước, trong đó có 8 người đến từ Rizal, nơi nhiều ngôi nhà bị bùn đất bao phủ sau cơn bão. Rizal, có thủ phủ là Antipolo, cách Manila khoảng 16 km về phía Đông, là một tỉnh miền núi nằm trên sườn phía Tây của dãy núi Sierra Madre. Ở vị trí cao ráo này, Rizal tương đối ít bị lũ hơn so với các khu vực khác, bao gồm cả Metro Manila. Nhưng lợi thế đó không còn nữa.

Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos, trong một cuộc họp báo tại thành phố Antipolo hôm 6/9, đã kêu gọi cập nhật các bản đồ nguy cơ lũ lụt để theo dõi sự thay đổi về lượng nước và lưu lượng nước lũ - dữ liệu lẽ ra đã phải có sẵn với hơn 5.000 dự án kiểm soát lũ lụt mà chính quyền của ông tuyên bố đã hoàn thành.

Tuy nhiên, tình trạng gần đây đã buộc Tổng thống phải đặt câu hỏi: Tại sao lũ lụt lại xảy ra?

* Khai thác đá và chuyển đổi đất

Hồi tháng 7/2024, khi bão Carina tấn công Philippines dữ dội, trang Meta Tara Rizal Naman đã đăng những bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy một địa điểm khai thác đá ở tỉnh này với chú thích: “Dành cho những ai thắc mắc tại sao lũ lụt ở Rizal ngày càng tồi tệ hơn”. Bài đăng đã lan truyền trên mạng xã hội trong tuần qua, tạo ra các cuộc tranh luận về nguyên nhân gây lũ lụt, với Khu bảo tồn địa chất Masungi nêu vấn đề khai thác đá và chuyển đổi đất trong khu vực của mình và ở lưu vực Thượng Marikina. Bài đăng trên trang này cho biết: “… mọi người đang bắt đầu thấy những tác động nghiêm trọng của việc sử dụng đất sai mục đích”.

* Đô thị hóa nhanh chóng

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Môi trường Carlos Primo David cho biết đô thị hóa - chứ không phải hoạt động khai thác đá mà theo ông là nếu có cũng chỉ gây tác động tối thiểu - là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Ông nói: “Nếu chúng ta so sánh diện tích các mỏ đá bao phủ với diện tích các thành phố và khu vực đô thị hóa bao phủ, sẽ thấy sự khập khiễng. Chúng ta đang nói về 350 hecta mỏ đá so với hơn 20.000 hecta khu vực đô thị hóa”. Ông David cũng cho biết Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường (DENR) sẽ điều tra các hoạt động khai thác đá để xác định mức độ chúng góp phần gây ra lũ lụt.

Thị trưởng Antipolo Casimiro Ynares III cho biết, họ sẽ giao cho các nhà nghiên cứu tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu. Ông nhấn mạnh: “Việc này sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền nếu chính quyền trung ương tiến hành nghiên cứu xác định nguyên nhân nào góp phần nhiều nhất gây ra tình trạng lũ lụt”.

Philippines đã có một số nghiên cứu về nguyên nhân và hậu quả của lũ lụt ở Metro Manila, đặc biệt là sau bão nhiệt đới Ondoy (bão Ketsana) vào năm 2009. Tuy nhiên, điều cần làm lúc này là cập nhật dữ liệu về lũ lụt sau các cơn bão gần đây và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Và lần này, chính quyền ở cả cấp địa phương và trung ương nên chú ý đến những gì các chuyên gia đã vận động trong suốt thời gian qua để giải quyết và giảm thiểu tác động của quá trình đô thị hóa nhanh chóng: Ban hành kế hoạch sử dụng đất quốc gia (NaLUA) đã được xây dựng trong gần ba thập kỷ.

* Kế hoạch toàn diện và có đạo đức

Một NaLUA sẽ thể chế hóa một kế hoạch toàn diện và có đạo đức để sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất và nước của Philippines, đồng thời cung cấp hướng dẫn cho các chính quyền địa phương trong việc phân bổ nguồn lực và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng. Tất nhiên, hiệu quả của NaLUA vẫn phụ thuộc vào việc thực hiện, song việc có một bản thiết kế quốc gia có thể cung cấp cho các bên liên quan cơ sở để truy tố những kẻ vi phạm.

Việc ngăn chặn các hành động tàn phá môi trường và điều tiết các hoạt động như khai thác đá, khai khoáng, phát triển đô thị… làm trơ trụi các ngọn núi và lớp phủ rừng và để lại thiệt hại không thể khắc phục được, là rất cần thiết.                                                                          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục