Đi tìm sự thật về lô hàng ô tô tạm nhập tái xuất bị ách tắc

17:49' - 24/05/2016
BNEWS Đại diện lãnh đạo ba doanh nghiệp đã có đơn gửi Thủ tướng, các ngành chức năng về việc lô hàng ô tô tạm nhập, tái xuất đang bị ách tắc gần 3 năm.
Lô xe tạm nhập của 3 doanh nghiệp đang bị tạm giữ chưa được thông quan. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp

Đại diện lãnh đạo ba doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, Công ty TNHH Trường Giang Móng Cái và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đức Thịnh đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó ban chỉ đạo 389 Quốc gia về việc lô hàng ô tô tạm nhập, tái xuất đang bị ách tắc gần 3 năm.

Theo nội dung đơn số CV 09/CV– 3CT ngày 14/4/2016, 3 doanh nghiệp trình bày, trong quá trình kinh doanh tạm nhập tái xuất xe ô tô mới theo chính sách của Nhà nước, hoạt động kinh doanh đang diễn ra bình thường, tháng 5/2013, đột xuất, 3 công ty nhận được thông báo của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan Việt Nam) về việc tạm dừng tạm nhập tái xuất những lô hàng ô tô trên lãnh thổ Việt Nam, để phục vụ công tác điều tra một vụ án khác có liên quan.

Vì vậy, trong thời gian này, 3 doanh nghiệp trên đã mở tờ khai tạm nhập lô xe ô tô tại Chi cục Hải quan Hải Phòng, qua kiểm định hàng hoá là hàng ô tô mới được phép thông quan và đã đưa hàng hoá ra cửa khẩu để tái xuất cho đối tác nước ngoài thì  nhận được thông báo tạm thời ngừng tái xuất.

Tại lá đơn trên, các doanh nghiệp cũng cho biết, từ tháng 5/2013 đến nay rất nhiều lần đã có đơn, thư gửi Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan Việt Nam) hỏi về nguyên nhân vì sao những lô hàng không được tái xuất.

Nhưng đến thời điểm này, không có kết quả làm việc, mục đích tạm giữ, tại sao bị tạm giữ thời gian dài như vậy và lô hàng trên không liên quan đến vụ việc nào đó mà Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan Việt Nam) đã có thông báo vẫn không được làm rõ.

Theo đại diện các doanh nghiệp, việc tạm ngừng thông quan của cơ quan hải quan không có lý do cụ thể hay văn bản chính thức. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp

Cũng theo các doanh nghiệp này, trong thời gian đó, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an (Viện Khoa học kỹ thuật hình sự) có làm việc về những lô hàng bị tạm giữ và đã tiến hành kiểm tra trực tiếp lô xe ô tô về năm sản xuất, tình trạng xe, sau đó đã có kết luận đối với lô xe ô tô của 3 công ty là hoàn toàn mới, đủ điều kiện thông quan.

Tiếp theo, ngày 23/11/2015, Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan Việt Nam) có công văn số 1485/GSQL-GQ1 gửi Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan Quảng Ninh đề nghị xác minh cung cấp thông tin về lô hàng của 3 doanh nghiệp.

Ngày 18/12/2015, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, Công ty TNHH Trường Giang Móng Cái và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đức Thịnh đã nhận được quyết định của Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) về việc tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính đối với những lô hàng đang tạm giữ. Hiện tại những lô hàng bị tạm giữ đang được để tại kho tang vật của Cục Hải quan Hải Phòng.

Theo đại diện các doanh nghiệp, việc tạm ngừng thông quan của cơ quan hải quan không có lý do cụ thể hay văn bản chính thức, cơ quan nào đứng ra xử lý để tình trạng thời gian kéo dài gần 3 năm.

“Ngoài việc 3 công ty chúng tôi bị đối tác nước ngoài phạt về thời gian giao chậm hàng, 3 công ty chúng tôi mất hết uy tín trên thị trường thương mại và quốc tế không còn đối tác để tiếp tục kinh doanh với khoản nợ tín dụng hàng tỷ đồng, tiền kho lưu thuê bãi phát sinh thêm hàng tỷ đồng, công ty không có đủ khả năng trả lương cho nhân viên”- văn bản cầu cứu của các doanh nghiệp này trình bày.

Ông Trần Trung Thư, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, đại diện 3 công ty có đơn kiến nghị mong muốn các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ những vướng mắc kể trên cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp được làm thủ tục tái xuất hàng hóa cho đối tác nước ngoài đang bị lưu giữ trong kho 3 năm qua.

3 công ty đã có đơn kiến nghị mong muốn các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ những vướng mắc về việc tạm giữ xe ô tô của doanh nghiệp. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp

Để làm rõ nội dung trong đơn kiến nghị, phóng viên đã trao đổi với ông Phạm Quốc Hưng, Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh) -  đơn vị được Tổng cục Hải Quan Việt Nam yêu phối hợp xác minh vụ việc trên) cho biết:

“Lô hàng ô tô của 3 Công ty (Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, Công ty TNHH Trường Giang Móng Cái và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đức Thịnh) này Cục Hải quan Quản Ninh không giữ mà hiện tại Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải Quan Việt Nam) đã bàn giao cho Hải Quan Hải Phòng tạm giữ”. 

“Ngoài ra, hồ sơ về những lô hàng này đang được Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan Việt Nam) giữ, sau đó đã chuyển hồ sơ cho Cục Hải quan Hải Phòng. Vì vậy, tình tiết cụ thể như thế nào thì Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải Quan Hải Phòng sẽ nắm rõ vì các cơ quan này thụ lý hồ sơ vụ việc ngay từ đầu. Mặt khác, việc đi điều tra, hướng xử lý vụ việc như thế nào thì Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải Quan Hải Phòng sẽ thực hiện”- ông Phạm Quốc Hưng cho hay.

Sau đó, phóng viên đã liên hệ với ông Vũ Mạnh Hùng, Đội phó Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng), cho biết: “Vụ việc này chúng tôi đã báo cáo về Tổng cục Hải Quan rồi, việc này chúng tôi cũng đã báo cáo Ban 389”.

Theo đơn vị chức năng, vụ việc đã báo cáo về Tổng cục Hải Quan và ban 389. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp

Trao đổi với Luật Sư Trần Văn Thi, Giám đốc Công ty Luật TNHH một thành viên Trần Bros (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) về vụ việc, luật sư nhận định: “Theo quy định tại khoản 1 điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính Số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 thì thì thời hạn ra quyết định xử lý vi phạm hành chính là 7 ngày kể từ ngày lập biên bản, một số trường hợp vụ việc phức tạp có thể gia hạn nhưng không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm giữ".

"Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày”, ông Thi nói.

Cũng tại khoản 8 điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về thời hạn tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là 7 ngày kể từ ngày tạm giữ có thể gia hạn nhưng tối đa không được quá 30 ngày. 

Cụ thể khoản 8 điều 125 quy định “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.

“Như vậy, việc các cơ quan hải quan phong tỏa, tạm giữ tài sản vi phạm hành chính là 26 chiếc xe ô tô của 3 công ty: Công ty cổ phần thương mại và xuất nhập khẩu hải long thăng, công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đức Thịnh và công ty TNHH trường giang Móng Cái từ năm 2013 đến nay mà vẫn chưa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trả lại tài sản cho 3 công ty nói trên là vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính”- Luật Sư Trần Văn Thi khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục