Dịch COVID-19: Các nhà bán lẻ Nhật Bản đối mặt khó khăn do chi tiêu tiêu dùng giảm

13:30' - 14/04/2020
BNEWS Một số nhà bán lẻ và cửa hàng bách hóa hoạt động trực tuyến đang hưởng lợi do sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng bắt nguồn từ việc người dân ở nhà chống dịch COVID-19.
Quyết định mới đây của các nhà bán lẻ lớn của Nhật Bản bao gồm Seven & i Holdings Co. và Takashimaya Co. về thực hiện sớm công bố hướng dẫn lợi nhuận trong bối cảnh dịch COVID-19 cho thấy mức độ suy giảm nghiêm trọng của chi tiêu tiêu dùng ở nước này.

Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, hiệu thuốc (trừ một số nơi đóng cửa theo yêu cầu của chính phủ) thuộc số ít doanh nghiệp hưởng lợi từ việc thay đổi thái độ tiêu dùng khi người dân ở nhà nhiều hơn và tích trữ thực phẩm đông lạnh và đã được chế biến cũng như các mặt hàng thiết yếu khác để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng tình hình trên sẽ không đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng “giảm tốc” và những quan ngại vẫn hiện hữu về mức độ hiệu quả của việc chính phủ nước này công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đến ngày 6/5 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.

Theo nhà phân tích Hideyuki Araki của Viện Nghiên cứu Resona, tình hình thực tế cho thấy một số nhà bán lẻ và cửa hàng bách hóa hoạt động trực tuyến đang hưởng lợi do sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng bắt nguồn từ việc người dân ở nhà chống dịch COVID-19. Tuy vậy, ảnh hưởng kinh tế từ doanh số gia tăng tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhằm bù đắp tác động do dịch bệnh tới nhu cầu nói chung của người tiêu dùng ở Nhật Bản “hiện vẫn chưa rõ ràng” và sẽ không đủ bù lại sự sụt giảm doanh số của các nhà hàng, cửa hàng ẩm thực truyền thống.

Trong số những nhà bán lẻ lớn ở Nhật Bản, Seven & i,  Takashimaya và Ryohin Keikaku Co. cho biết không thể đưa ra dự báo lợi nhuận trong giai đoạn 12 tháng (tính đến tháng 2/2021) do triển vọng bất ổn về chi tiêu tiêu dùng. Nhà điều hành siêu thị Aeon Co. cũng không đưa ra triển vọng lợi nhuận ròng trong ước tính thu nhập của giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 2/2021.

Chủ tịch Seven & i Ryuichi Isaka cho biết hiện có quá nhiều yếu tố bất ổn và doanh nghiệp này không muốn đưa ra một dự đoán thiếu chính xác và gây quan ngại cho các nhà đầu tư. Lợi nhuận kinh doanh của các cửa hàng bách hóa do Seven & i quản lý trong giai đoạn 12 tháng (tính đến tháng 2/2020 đã giảm 78,7% so với giai đoạn trước đó xuống còn 797 triệu yen (tương đương 7 triệu USD), do doanh số bán hàng miễn thuế sụt giảm kể từ cuối tháng 1/2020.

Dù vậy, Seven & i đã đạt lợi nhuận kinh doanh kỷ lục 424,27 tỷ yen trong giai đoạn trên, tăng 3,1% so với một năm trước đó, nhờ lợi nhuận gia tăng của các cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven tại Nhật Bản và nước ngoài.

Trong khi đó, Chủ tịch Takashimaya, Yoshio Murata, ngày 13/4 cho biết triển vọng của việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch COVID-19 vẫn bất ổn, và việc tính toán tác động của việc công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và gói kích thích kinh tế của Chính phủ Nhật Bản là rất khó. Theo ông Murata, Takashimaya cũng không thể dự đoán cụ thể thời gian phải ngừng hoạt động của các cửa hàng do nhà bán lẻ này điều hành.

Trong khi đó, J. Front Retailing Co. – nhà điều hành các cửa hàng bách hóa Daimaru and Matsuzakaya – ngày 10/4 dự kiến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này sẽ giảm 76,5% xuống còn 5 tỷ yen  trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 2/2020. Còn Fast Retailing Co., nhà điều hành chuỗi cửa hàng hàng may mặc Uniqlo, đã hạ mức ước tính lợi nhuận ròng trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 8/2020 xuống còn 100 tỷ yen, từ mức dự báo trước đó 165 tỷ yen, dựa trên dự kiến doanh số sẽ phục hồi từ tháng 6/2020.

Nhà phân tích Wakaba Kobayashi của Viện Nghiên cứu Daiwa cảnh báo ngày càng nhiều doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thêm các biện pháp cắt giảm chi phí như giảm lương do tình trạng kinh tế suy giảm kéo dài. Trong khi đó, chuyên gia Araki của Viện Nghiên cứu Resona dự đoán chi tiêu tiêu dùng sụt giảm do dịch COVID-19 có thể khiến Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật Bản giảm 10,8 điểm phần trăm trong giai đoạn nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia từ ngày 7/4-6/5./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục