Dịch COVID-19: Chuyên gia Nhật Bản hối thúc chính phủ áp dụng biện pháp mạnh

12:13' - 23/11/2020
BNEWS Nhiều chuyên gia y tế Nhật Bản nhận định cách tiếp cận theo hướng tập trung xử lý các cụm lây nhiễm để khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang bộc lộ các hạn chế.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nhiều chuyên gia y tế Nhật Bản nhận định cách tiếp cận theo hướng tập trung xử lý các cụm lây nhiễm để khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang bộc lộ các hạn chế và cần áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để dập dịch.

Một thành viên Ban Cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết: “Dịch bệnh hiện tại không thể kiểm soát bằng cách xử lý các cụm lây nhiễm… Cần phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”.

Việc xử lý các cụm lây nhiễm do trung tâm y tế công cộng trên toàn quốc thực hiện là một điểm nhấn trong cách tiếp cận của Nhật Bản để chống dịch COVID-19, theo đó giới chức y tế sẽ truy vết những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19 để xác định nguồn lây nhiễm.

Được gọi là “Mô hình Nhật Bản”, phương pháp này được cho là có hiệu quả trong việc hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 cho đến thời điểm này.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay, được nhiều chuyên gia mô tả là làn sóng lây nhiễm thứ ba, khác xa so với hai đợt bùng phát trước về độ đa dạng và quy mô của các cụm lây nhiễm.

Trong đợt bùng phát thứ hai vào mùa Hè, phần lớn các cụm lây nhiễm được phát hiện ở các khu giải trí về đêm. Hiện nay, các cụm lây nhiễm xảy ra ở nhiều khu vực, trong đó có các cơ sở y tế, công sở và các cộng đồng người nước ngoài.

Trong bối cảnh các quan ngại đang gia tăng về sự thiếu hụt nhân lực ở các trung tâm y tế cộng đồng, MLHW đã quyết định ưu tiên xử lý các cụm lây nhiễm tại các cơ sở chăm sóc cho người già.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng cách tiếp cận này gần như đã chạm ngưỡng giới hạn khi tới ngày 22/11, số ca nhiễm mới trên toàn quốc đã gia tăng lên hơn 2.000 người/ngày trong 5 ngày liên tiếp.

Một chuyên gia của Ban Cố vấn MHLW nói: “Việc xử lý cụm lây nhiễm mang lại hiệu quả trong việc khống chế các ổ dịch ở những khu vực mà dịch bệnh chưa lan rộng. Tuy nhiên, việc khống chế dịch bệnh ở những khu vực không xác định được con đường lây nhiễm của 50% số ca nhiễm mới là khá khó khăn”. 

Vì vậy, chuyên gia trên hối thúc chính phủ có các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc hạn chế sự đi lại giữa các tỉnh, thành.

Tại thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch COVID-19 có thể sẽ tạm lắng ở Nhật Bản khi số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng ở nhiều địa phương. Ngày 22/11, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 2.167 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 133.730 người, trong đó  2.001 người tử vong.

Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này ở trên ngưỡng 2.000. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới ở tỉnh Osaka đã tăng cao kỷ lục lên 490 người, trong khi số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo lần đầu giảm xuống dưới ngưỡng 500 trong 4 ngày.

Hiện tại, nhiều ý kiến chỉ trích Chính phủ Nhật Bản chậm trễ trong việc tạm dừng các chương trình kích cầu mang tên “Go To”. Ngày 21/11, Thủ tướng Suga Yoshihide đã chỉ đạo xem xét lại chương trình này, trong đó có việc tạm ngừng đặt chỗ các tour tới những khu vực có số ca nhiễm mới tăng mạnh.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) ngày 23/11 thông báo ghi nhận thêm 271 ca nhiễm mới ở nước này, trong đó có 255 ca lây nhiễm trong nước và 16 ca "ngoại nhập", nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 31.004 người.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, KDCA cho biết trong số các trường hợp lây nhiễm trong nước, thủ đô Seoul có 109 trường hợp, tiếp theo là tỉnh Gyeonggi với 74 ca và 23 ca ở thành phố Incheon.

Trong số 16 ca nhập cảnh, 5 trường hợp được xác nhận trong quá trình kiểm dịch tại sân bay hoặc cảng, và 11 người trong khi tự cách ly. Cũng theo KDCA, đã có thêm 4 người tử vong do dịch bệnh này, nâng tổng số người thiệt mạng do COVID-19 ở Hàn Quốc lên 509 người.

Đáng chú ý, quân đội Hàn Quốc cùng ngày thông báo 33 ca nhiễm mới, con số ghi nhận theo ngày trong quân đội cao nhất, trong bối cảnh bùng phát ổ lây nhiễm tại một đơn vị quân đội ở thị trấn biên giới Cheorwon.

Trong tổng số ca nhiễm mới này, 26 quân nhân và 6 sĩ quan thuộc đơn vị tại Cheorwon, người còn lại là sĩ quan tại huyện Hwacheon (Đông Bắc). Số ca nhiễm tại đơn vị ở Cheorwon đã tăng lên 38 trường hợp, song con số còn có thể tăng cao khi các thành viên của đơn vị gồm 200 binh sĩ nói trên vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm. Tổng số ca nhiễm trong quân đội Hàn Quốc đã tăng lên 263 trường hợp.

Ngày 22/11, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định siết chặt hơn các quy định về giãn cách xã hội đối với thủ đô Seoul và vùng phụ cận cũng như khu vực Đông Nam. Theo quyết định này, mức giãn cách xã hội cấp độ 2 trong hệ thống cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp ở nước này, sẽ được áp dụng tại các khu vực trên bắt đầu từ ngày 24/11.

Các cuộc tụ tập từ 100 người trở lên sẽ bị cấm, trong khi những cơ sở có xu hướng dễ lây nhiễm như hộp đêm phải ngừng hoạt động. Các nhà hàng chỉ được phục vụ đến 21h. Các cơ sở thể thao trong nhà như phòng tập thể dục, câu lạc bộ bida phải ngừng hoạt động sau 21h trong khi các sự kiện thể thao giới hạn khán giả ở mức dưới 10% tổng số ghế./.

>>>Nhật Bản sẽ ngừng trợ cấp du lịch tại các khu vực có số ca mắc COVID-19 cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục