Dịch COVID-19-Cơ hội cho những doanh nghiệp chủ động đối mặt thách thức

15:16' - 26/09/2020
BNEWS Dịch COVID-19 là một thử thách lớn, bất ngờ mà không ai mong muốn, nhưng cũng chính là phép thử đối với năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản nhưng cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp có kế hoạch chủ động đối mặt với thách thức. Đây là chia sẻ của nhiều doanh nhân tại chương trình Cà phê Doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức ngày 26/9.

Bà Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc Công ty Nutifood chia sẻ, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, có 50% nhân viên của Công ty chuyển sang làm việc tại nhà, 50% nhân viên làm việc ở văn phòng nhưng các nhà máy sản xuất vẫn duy trì hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày. Trong bối cảnh dịch bệnh, Công ty đã nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới và tung ra thị trường rất thành công.

“COVID-19 là một thử thách lớn, bất ngờ mà không ai mong muốn, nhưng cũng chính là phép thử đối với năng lực quản trị của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có sự đầu tư về chiến lược phát triển, dám nhìn thẳng vào vấn đề sẽ thấy đây là cơ hội tốt để hoàn chỉnh quy trình vận hành doanh nghiệp, sắp xếp lại bộ máy nhân sự từ đó tạo đà để tăng trưởng nhanh hơn ngay khi dịch COVID-19 được khống chế.”, bà Trần Thị Lệ nhấn mạnh.

Được biết đến là “ông vua” trong lĩnh vực phân phối hàng hiệu xa xỉ tại Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương thông tin: Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, thương mại, du lịch đều bị ảnh hưởng đã khiến nhiều người cho rằng việc kinh doanh hàng hiệu, sản phẩm xa xỉ sẽ gặp khó khăn.

Tuy nhiên trên thực tế, sau hai đợt dịch COVID-19, doanh số tiêu thụ các sản phẩm cao cấp của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương vẫn tăng 15%, trong khi chi phí vận hành hệ thống phân phối được cắt giảm 20% đã giúp biên độ lợi nhuận tăng hơn so với trước khi dịch COVID-19 diễn ra.

“Có một thực tế là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cao cấp, có thương hiệu tại Việt Nam rất lớn bởi số lượng những người có thu nhập cao ngày càng tăng. Trước khi có dịch COVID-19, những khách hàng này thường chọn du lịch kết hợp mua sắm tại các trung tâm mua sắm ở nước ngoài như Singappore, Hồng Kông (Trung Quốc), thậm chí sang tận châu Âu để săn hàng hiệu. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 khiến hoạt động du lịch, vận chuyển hàng không bị gián đoạn thì những khách hàng này có xu hướng tìm kiếm sản phẩm được phân phối tại Việt Nam”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn phân tích.

“Nhận thấy đây là cơ hội để thu hút khách hàng, các công ty phân phối của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã tập trung tiếp cận thông qua hình thức online, đẩy mạnh dịch vụ phục vụ khách hàng tận nơi. Song song với việc tận dụng khoảng trống thị trường, công ty cũng thực hành sắp xếp, cân đối lại hoạt động kinh doanh, điều động đội ngũ nhân viên từ khu vực dịch vụ cho khách nước ngoài sang khu vực nội địa. Nhờ đó, giải quyết được cả vấn đề khách hàng và việc làm, thu nhập cho nhân viên trong giai đoạn khó khăn”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn lý giải cho cú “ngược dòng” của công ty trong bối cảnh COVID-19.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, dịch COVID-19 thật sự là “đòn giáng” mạnh vào hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản với  80% sàn giao dịch bất động sản ở Việt Nam ngưng hoạt động, nguồn cung sản phẩm vào thị trường chỉ đạt 30% so với trước đó.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, khi dịch COVID-19 bùng phát đợt đầu, nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái “sốc”, nhưng xét một cách tích cực thì đây chính là “cú đấm” giúp doanh nghiệp đánh giá một cách tổng thể năng lực chống chịu của mình. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nếu không phải là COVID-19 thì doanh nghiệp vẫn phải đối mặt thường xuyên với nhiều thách thức khác.

Khoảng thời gian xảy ra dịch COVID-19 là lúc doanh nghiệp tập trung cho việc tái cấu trúc danh mục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực của thị trường, chuyển đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang online, số hoá dữ liệu... Đây là những việc mà trước đó doanh nghiệp khó triển khai vì phải phân bố nhân sự, nguồn lực cho hoạt động bề nổi.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA cho rằng, hai đợt bùng phát dịch COVID-19 là đòn giáng mạnh và là phép thử “nặng ký” cho năng lực quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thách thức luôn có những cơ hội cho doanh nghiệp chủ động ứng phó và có chiến lược linh hoạt.

Thực tế cho thấy, trong khi nhiều doanh nghiệp bị bó chân bởi khó khăn về cả nguồn cung lẫn đầu ra vẫn có những doanh nghiệp tận dụng cơ hội để khai thác các khoảng trống thị trường do sự đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc thay đổi thói quen tiêu dùng tạo ra.

Một số doanh nghiệp khác lại tân dụng thời gian này để tập trung cải cách hoạt động bằng việc chuyển đổi phương thức làm việc, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để gia tăng năng suất làm việc, cắt giảm chi phí, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc đón đầu cơ hội kinh doanh ngay khi dịch bệnh được khống chế.

Kết quả cho những nỗ lực đó của doanh nghiệp chính là trong khi các nền kinh tế lớn vẫn đang loay hoay tìm cách cắt đà suy thoái thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, dù mức tăng trưởng chưa cao. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhiều doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam vẫn tăng doanh số, đảm bảo được việc làm, thu nhập cho người lao động.

Có thể nói, sau dịch COVID-19, khả năng ứng phó với các khủng hoảng của doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên một bậc, năng lực quản trị và hiệu quả sử dụng nguồn vốn được cải thiện rõ nét. Đó sẽ là nền móng vững chắc để doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội, tạo sự tăng trưởng đột phá thời kỳ hậu COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục